Đảm bảo công bằng, hướng tới một tương lai tăng cường khả năng chống chịu

Đặng Thu Hằng
Ngày 13/10 hàng năm được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định là “Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai” như một phương thức thúc đẩy văn hóa toàn cầu về phòng, chống thiên tai. Đặc biệt năm 2023, Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), chúng ta càng cố gắng thực hiện thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực, ứng phó có hiệu quả hơn nữa với thiên tai, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, đời sống của Nhân dân.

Cụm từ Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai lần đầu tiên xuất hiện trong một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc được thông qua ngày 23/12/1989. Nghị quyết tuyên bố Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai (IDNDR), bắt đầu từ ngày 1/1/1990 và ngày thứ Tư thứ 2 của tháng 10 là Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. IDNDR và Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai xuất hiện khi con người dần nhận ra việc ứng phó khẩn cấp với những thảm họa lớn như động đất và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác là không còn đủ mà cần phải có biện pháp, cách tiếp cận mới để quản lý rủi ro thiên tai nếu thế giới muốn hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Kể từ năm 2009, ngày 13/10 được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ngày này cũng được ASEAN lấy để kỷ niệm Ngày Quản lý thiên tai ASEAN để kêu gọi mọi người và cộng đồng trên toàn thế giới nâng cao nhận thức và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra. Năm nay Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm với chủ đề “Đảm bảo công bằng, hướng tới một tương lai tăng cường khả năng chống chịu”.

thon-huu-tan-xa-tan-ninh-huyen-quang-ninh-quang-binh-bi-nuoc-lu-co-lap-hoan-toan-anh-danh-lam-ttxvn-1697441470.jpeg
Thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị nước lũ cô lập hoàn toàn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai nhất trên thế giới. đồng thời cũng được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và dự báo sẽ phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. Các thảm họa thiên nhiên bao gồm lũ lụt, bão, nắng nóng, hạn hán, thậm chí là động đất và sóng thần, đã làm các quốc gia trong khu vực chịu thiệt hại kinh tế trung bình hàng năm lên tới 86,5 tỷ USD.

Riêng tại Việt Nam, thiệt hại trung bình mỗi năm lên đến 1-1,5%GDP, 400 người chết. Chính vì vậy, quản lý rủi ro thiên tai là nội dung hợp tác được các quốc gia ASEAN chú trọng từ nhiều năm nay, thông qua nhiều công cụ và cơ chế phối hợp.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam luôn nỗ lực hết sức trong công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai. Tháng 3/2015, Việt Nam cùng hơn 180 quốc gia khác trên thế giới đã thông qua Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai giai đoạn 2015 - 2030. Đồng thời thông qua nhiều văn bản pháp lý về phòng, chống thiên tai như: Luật Phòng chống thiên tai (PCTT) sửa đổi năm 2021, Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030", Thông tư hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương, Thông tư hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế xã hội. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả phát triển và đưa vào sử dụng thành công hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam VNDMS và ứng dụng PCTT giúp đáp ứng các nhu cầu giám sát, chỉ đạo điều hành và quản lý dữ liệu.

Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay thiệt hại do thiên tai giảm 20%, năm 2022 chỉ thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng, 200 người chết. Trong 5 năm vừa qua, con số thiệt hại đã giảm nhiều nhờ chuyển từ bị động sang chủ động ứng phó. Thống kê thiệt hại trên tàu thuyền trên biển của Việt Nam trước đây rất lớn, nhưng từ năm 2012 đến nay hầu như không có thiệt hại về người trên biển nhờ chủ trương “tính mạng con người là trên hết, hạn chế tối đa”.

Hơn hết, trong năm 2023, với vai trò thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, càng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc đoàn kết, hưởng ứng cùng các quốc gia, các cơ quan Liên Hợp Quốc và ASEAN, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đây vừa trọng trách và cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động dẫn dắt, nâng cao vị thế, thể hiện vai trò trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung. Đồng thời, cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực từ các đối tác và cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và khu vực.

u1-2-1697441529.jpg
Việt Nam là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, với cường suất lớn, tính chất nghiêm trọng.

Trước những diễn biến ngày một cực đoan, khó lường của thiên tai, công tác phòng, chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các địa phương, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của toàn thể Nhân dân.

Phát huy vai trò là thành viên của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thường xuyên triển khai các hoạt động nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, thảm hoạ cho đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và người dân. Đặc biệt các hoạt động này được tăng cường nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Những tháng cuối năm là cao điểm xảy ra mưa bão, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Bởi vậy song song với các hoạt động cứu trợ người dân tại các vùng chịu thiệt hại bởi thiên tai, nhiều hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng, các vật dụng cần thiết góp phần đảm bảo an toàn hơn cho người dân khi xảy ra mưa bão cũng được các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ động triển khai. Đặc biệt những buổi diễn tập ứng phó với thiên tai, thảm hoạ, tai nạn nghiêm trọng được Hội Chữ thập đỏ tổ chức thường xuyên với bối cảnh sát thực tế, nhằm trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm ứng phó trước những tình huống bất ngờ đã nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và người dân.

Thời gian tới, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, thảm hoạ, luôn sẵn sàng có mặt kịp thời để đồng hành cùng người dân trước, trong và sau thiên tai.

Lã Hằng