Đà Nẵng: Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Nguyễn Diệp Linh
Công tác giảm nghèo được chính quyền địa phương, các hội đoàn, thể quan tâm. Nhiều mô hình thiết thực giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của thành phố.

d-1682062924.png

Đại diện UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) trao phương tiện sinh kế cho người nghèo. Ảnh: NGỌC HÀ

 

Thời gian qua, các hội, đoàn thể trên địa bàn phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) thực hiện nhiều mô hình như tổ giới thiệu việc làm, tổ may gia công, tổ may túi xách, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… Thông qua các mô hình này, giới thiệu cho các hộ nghèo còn sức lao động làm giúp việc gia đình, may gia công, nghề phổ thông…; thu nhập từ 3-7 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định cuộc sống. Các hội, đoàn thể phường đứng ra tín chấp cho 14 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn giải quyết việc làm với số tiền gần 600 triệu đồng để làm ăn, buôn bán phát triển kinh tế gia đình, giới thiệu học nghề miễn phí tại các trung tâm dạy nghề của thành phố.

Bà Lê Thị Nhật Diệu, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây cho biết, để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, từ đầu năm, UBND phường phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo, nắm nhu cầu nguyện vọng của từng hộ từ đó xây dựng các giải pháp giúp đỡ cụ thể.

“UBND phường xác định muốn giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững thì giải pháp chủ yếu và lâu dài là tạo công ăn việc làm cho các thành viên của hộ nghèo. Bên cạnh đó, quan tâm đến các chính sách an sinh cho đối tượng này như: hỗ trợ cấp thẻ BHYT, giới thiệu đến các địa chỉ nhân đạo... Từ tháng 4, UBND phường tổ chức mô hình “Phiên chợ yêu thương” vào thứ 7 tuần cuối cùng của tháng gồm các gian hàng 0 đồng cho hộ nghèo, hội viên bị bệnh hiểm nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, thu gom hàng hóa đã qua sử dụng để bà con đến lựa chọn những loại hàng cần thiết cho mình, tổ chức phát suất ăn, nước uống miễn phí. Đây là một trong những hoạt động thiết thực chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương”, bà Diệu nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) chia sẻ, nhiệm vụ được địa phương quan tâm là phương thức tối ưu để thoát nghèo bền vững. Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã đã tiến hành kiểm tra, theo dõi hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo như: hỗ trợ chăn nuôi gia cầm, gia súc; buôn bán tạp hóa, nước giải khát, làm giàn trồng rau sạch. “Để thực hiện tốt công tác hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, địa phương phối hợp với các đơn vị trực tiếp hỗ trợ tiếp cận từng gia đình, định hướng họ cách làm ăn sao cho hiệu quả và 6 tháng sẽ kiểm tra 1 lần”, ông Dương cho biết.

Đầu năm 2022, địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có 1.053 hộ nghèo, 420 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, bằng các chính sách tín dụng, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ xây nhà, sửa chữa nhà ở, bảo trợ xã hội, hỗ trợ tiền điện… đến cuối năm 2022, toàn quận giảm 357 hộ nghèo, 122 hộ cận nghèo. Ông Mai Xuân Linh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) quận Ngũ Hành Sơn cho biết, năm 2023, quận phấn đấu giảm 300 hộ nghèo còn sức lao động, giảm 100 hộ cận nghèo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung huy động nguồn vốn giúp hộ nghèo có vốn sản xuất, kinh doanh thông qua các kênh như: ngân hàng chính sách xã hội, vốn tiếp sức phụ nữ nghèo, nguồn lực trong cộng đồng; lồng ghép chương trình giảm nghèo với các dự án hỗ trợ y tế, giáo dục, xây nhà tình thương, sửa chữa nhà ở, công trình vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vì phụ nữ nghèo…

Theo thông tin từ Sở LĐ, TB&XH, thời gian qua, các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương đối với hộ nghèo, cận nghèo chuẩn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đầu tư nguồn lực, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững như: chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở với mức 50 triệu đồng/nhà; sửa chữa nhà với mức 20 triệu đồng/nhà; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo chuẩn thành phố; tiếp tục miễn giảm giáo dục cho con các hộ sau 2 năm thoát nghèo; hỗ trợ lãi suất vay vốn hộ nghèo chuẩn thành phố bằng lãi suất hộ nghèo của Trung ương; hỗ trợ 0% lãi suất đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ sau khi trả vốn vay đúng hạn; trợ cấp hằng tháng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, người già yếu, trẻ em mồ côi, ốm đau thường xuyên thuộc hộ nghèo… Đặc biệt, HĐND thành phố thông qua chính sách hỗ trợ 20% chi phí khám chữa bệnh đối với hộ nghèo chuẩn thành phố được hưởng quyền lợi 100% khám chữa bệnh như hộ nghèo chuẩn Trung ương.

Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố giảm còn 1,39%/tổng số hộ dân cư; phấn đấu vận động 100% người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế có hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế của Nhà nước. Đồng thời, hỗ trợ xây mới nhà ở cho 80 hộ nghèo và sửa chữa nhà ở cho 200 hộ nghèo có đất ở hoặc nhà ở nhưng bị xuống cấp, hư hỏng để có chỗ ở ổn định cuộc sống; hỗ trợ 1.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm.

NGỌC HÀ