CSGT đường thủy Thanh Hóa nỗ lực bảo đảm an toàn giao thông

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Với tổng chiều dài gần 2.000km và 30 tuyến sông kênh, công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy Thanh Hóa rất vất vả và khó khăn. Vậy nhưng, họ vẫn làm tốt công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, vận động người dân tham gia bảo đảm ATGT.

Theo số liệu thống kê, địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.600 phương tiện thủy nội địa. Sông Mã là một trong những tuyến sông được lực lượng CSGT đường thủy Thanh Hóa đặc biệt chú trọng bởi đó là tuyến sông được khai thác phục vụ giao thông vận tải.

Vì vậy, trong nhiều năm qua, lực lượng CSGT đường thủy hết sức chú trọng công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình phương tiện đi qua tuyến sông này.

DSCN0908
Lực lượng CSGT đường thủy tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT trên sông

Đồng thời, chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia bảo đảm ATGT. Minh chứng là những năm gần đây, tình hình TTATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khá ổn định, TNGT được kiềm chế.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số vi phạm luật giao thông đường thủy nội địa mà lực lượng chức năng gặp vướng mắc, chưa thể giải quyết triệt để. Đó chính là công tác đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn…

DSCN0925
Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra trên tuyến sông Mã

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thịnh, Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy Thanh Hóa, chia sẻ: Nói đến đường thuỷ thường người ta sẽ nói đến 3 không nhưng ở Thanh Hoá phải nói đến 5 không, trong khi trình độ dân trí của đại bộ phận người dân còn thấp và kinh tế còn nghèo. Do đó, quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 132 trở nên khá nặng nề với họ. Có rất nhiều trường hợp khi xử phạt không phải là người ta không chấp hành mà là không có tiền để phạt. Họ phải đi vay tiền để đóng nên thời gian xử phạt ra bị kéo dài.

Ông Thịnh cho biết thêm, đầu năm 2017 lỗi không đăng ký, không đăng kiểm khá phổ biến. Nhưng đến nay, có thể nói công tác đăng kiểm ở Thanh Hoá đã rất tốt so với toàn quốc.

Trên toàn quốc, công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thuỷ chỉ được 20-30% nhưng ở Thanh Hoá việc đăng kiểm phương tiện đã thực hiện trên 80%.

"Sở dĩ làm được như thế là do UBND tỉnh đã có kế hoạch, chỉ đạo rất quyết liệt các ban ngành tham gia, chính quyền các địa phương tham gia rất nhiệt tình. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ để thực hiện việc đăng kiểm rất tốt. Hiện giờ nếu đi trên tuyến đường thuỷ này thì việc các phương tiện chưa đăng kiểm còn rất ít", ông Thịnh cho biết.

Tuy nhiên, việc đăng ký vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được triệt để. Bởi chưa có văn bản nào quy định về mức đóng thuế trước bạ nên không đăng ký được phương tiện.

“Khi tham gia họp chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho người ta đăng ký. Nhìn chung tinh thần rất ủng hộ nhưng vì chưa có quy định ban hành nên ngành thuế không dám thu thuế trước bạ, do đó không thể đăng ký được”, ông Thịnh chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thịnh, Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi chọn đây là chuyên đề trọng điểm có rất nhiều kế hoạch trong năm, trong đó có một kế hoạch là luôn luôn giao cho các đơn vị chủ trì chuyên đề về tuyên truyền, hướng dẫn phòng ngừa tai nạn giao thông đường thuỷ, ở đây và chủ yếu là các đò chở người.

Tại Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra một văn bản giao trách nhiệm rất cụ thể cho Chủ tịch các xã nếu để xảy ra tai nạn thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Văn bản này còn được ra trước Nghị quyết 88 của Chính phủ.

“Hiện nay việc giao thông bằng đò đã được thu hẹp, chủ yếu là đò dân sinh tập trung ở trên miền núi, từ dưới cửa biển lên đến Thiệu Khánh chỉ còn hai đò”, ông Thịnh cho biết thêm.

Thực tế, đây là vấn đề đang nổi lên mà UBND tỉnh Thanh Hóa đang muốn chỉ đạo. Vừa qua, UBND tỉnh đã có chỉ thị về vấn đề này nhưng hiện chi cục thuế các huyện không vận dụng được nên tình trạng này đang là khó khăn cho người dân.

Vấn đề bằng lái cũng là nội dung lực lượng CSGT đường thủy đang vướng mắc trong việc xử lý vi phạm hành chính. Người dân rất muốn có những giấy tờ liên quan đến người lái như bằng chứng chỉ chuyên môn nhưng quy định của pháp luật hiện nay về thi đào tạo cấp chứng chỉ vẫn rất ngặt nghèo về trình độ, khiến cho việc người dân tham gia đào tạo để được cấp chứng chỉ rất khó.

Ông Thịnh nói: “Chúng tôi có đề xuất nên nghiên cứu để có quy định tạo điều kiện cho người dân tham gia đào tạo cấp chứng chỉ tham gia giao thông đường thuỷ đúng quy định là rất cần thiết. Tuy nhiên việc này mới chỉ là đề nghị, cũng chưa biết đến bao giờ giải quyết được”.

IMG_20181227_090256
Bên cạnh việc tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đường thủy vẫn thường tổ chức tuyên truyền, trao tặng áo phao cho người dân

Một trong những khó khăn khác của lực lượng CSGT đường thủy Thanh Hóa chính là địa hình, độ dốc rất cao, nước chảy xiết khi vào mùa khô cằn, còn mùa mưa thì lũ lụt. Do đó, hoạt động tuần tra kiểm soát còn khá hạn chế, chủ yếu chỉ triển khai được phần hạ lưu, còn phần thượng lưu muốn đi thì phải chờ xuồng.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đường thủy hiện không có địa điểm tạm giữ các phương tiện, trong khi theo quy định thì UBND tỉnh phải xây dựng các điểm để tạm giữ phương tiện vi phạm. Cho nên, nhiều trường hợp có ra quyết định xử lý tạm giữ nhưng phải giao cho chủ phương tiện tự trông coi bảo quản, điều này về mặt pháp luật không sai nhưng lại rất nguy hiểm.

Nguyễn Tuấn - Nguyễn Duẩn - Trung Thành