Công nhân cầm cự giữ việc giáp Tết

Đặng Thu Hằng
Chạy dịch từ Bình Dương về Nghệ An, Nguyễn Thị Huyền sau đó ra Hà Nội tìm việc mới nhưng đang bị cắt giảm giờ làm, thu nhập giảm còn một nửa.

Huyền dắt xe máy đi bảo dưỡng giữa buổi chiều thứ ba - thời điểm đáng lẽ đang đứng làm việc trong dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Cuối năm ngoái, Huyền chạy dịch từ Bình Dương về Nghệ An rồi không quay trở lại sau 10 năm bám trụ. Cô theo người làng ngược ra Hà Nội làm trong công ty gia công linh kiện điện tử với lương cơ bản, phụ cấp lẫn tăng ca gần 10 triệu mỗi tháng.

Mức thu nhập này bằng hai phần ba so với ngày còn làm kiểm kho ở Bình Dương vẫn khiến Huyền hài lòng vì cách quê nhà chỉ hơn 300 km. Gạo, cá, đồ ăn mang theo mỗi lần từ quê ra giúp cô tiết kiệm.

Lao động tìm việc những ngày cuối năm tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Phạm Chiểu

Lao động tìm việc những ngày cuối năm tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Phạm Chiểu

Nhưng thu nhập chỉ ổn định cho đến cuối tháng 10. Số giờ lẫn tần suất tăng ca của hàng trăm công nhân trong xưởng thưa dần. Sang tháng 11, Huyền đi làm 8 tiếng mỗi ngày, không tăng ca và nghỉ thứ bảy, chủ nhật - điều mà 10 năm làm việc trong nhà máy cô chưa bao giờ trải qua. Tăng ca là lựa chọn bất đắc dĩ nhưng vẫn là cách chủ yếu giúp công nhân tăng thu nhập.

"Tháng này làm đủ ngày công chắc em chỉ còn lương cơ bản hơn 5 triệu đồng", Huyền nói, bắt đầu xoay ra tính tiền trọ, điện nước, tiền ăn, xăng xe, hết không còn đồng nào để dành. Thu nhập giảm kéo những bữa cơm có thịt, cá trong tháng giảm theo. Các công nhân trong xóm trọ chưa ai thất nghiệp song đều giảm việc làm, tiền lương cơ bản mỗi tháng chỉ đủ cho họ cầm cự những ngày cuối năm.

Cạnh cổng khu công nghiệp Thăng Long, cuối ngày một số công nhân dò từng tờ thông báo tuyển dụng trên bảng tin tìm việc. Anh Đàn đứng nghịch điện thoại, trong khi chờ đồng hương quê Tuyên Quang tham khảo thông tin. "Chưa bao giờ thấy rảnh chân rảnh tay như đợt này", nam công nhân ngành điện tử nói, giải thích không phải làm thêm giờ nên đưa bạn đi tìm việc. Giờ này mọi khi anh đang tăng ca trong nhà máy.

Người bạn từ trên quê xuống với mong muốn vào làm cùng xưởng, nơi từng được anh Đàn khoe "không hết việc, kể cả lúc COVID-19". Nhưng từ cuối tháng 10 đến nay, anh cũng chỉ đi làm giờ hành chính và không còn tăng ca. Trưởng dây chuyền thông báo rõ đơn hàng giảm sút, động viên công nhân san sẻ với nhà máy cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đàn khuyên bạn tìm việc thời vụ, chờ ra năm nộp hồ sơ chính thức. Bản thân anh với gánh nặng nuôi hai con đi học không dám tìm việc mới dù thu nhập chỉ còn 70%. "Năm nay tiếp tục mất Tết", sau hai năm bị đại dịch xoay vần, những công nhân như Đàn không còn chờ tiền thưởng cuối năm, chỉ mong giữ được việc.

Công nhân KCN Thăng Long (Hà Nội) tan ca, tháng 11/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Công nhân khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) tan ca, tháng 11/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Huyền và Đàn nằm trong số gần 6.500 lao động tại Hà Nội bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp cắt giảm việc làm, tính tới giữa tháng 11. Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng này đang diễn ra ở 28 địa phương với 485 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, do bị giảm, mất đơn hàng. Phía Nam chiếm tới gần 62% doanh nghiệp và 87% lao động.

Giảm đơn hàng nhiều nhất là doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, tới 30-50%; tiếp đến là điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch... Tổng cộng 570.000 công nhân bị giảm giờ làm; 34.500 người bị chấm dứt hợp đồng; hơn 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng. Các hình thức phổ biến là cắt giảm giờ, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc và nghỉ không hưởng lương.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh giá tình trạng cắt giảm lao động, việc làm cuối năm do doanh nghiệp gặp khó khăn chung khi thiếu hụt đơn hàng. Cắt giảm nhiều nhất ở những địa phương có đông công nhân, như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang...

Công đoàn sẽ cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) họp bàn giải pháp. Nếu tình trạng kéo dài với số lao động bị ảnh hưởng lớn, theo bà Ngân, cần sớm có chính sách hỗ trợ từ nhà nước và địa phương nơi đặt khu công nghiệp. Trước mắt, công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp bàn bạc, xác định lại những đơn hàng ưu tiên, giữ chân công nhân trong khi chờ tình hình ổn định trở lại.

"Cần phòng ngừa tình trạng như sau đợt dịch, sản xuất khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động và tới khi có đơn hàng thì tuyển dụng không kịp, khiến cho thị trường thiếu hụt cục bộ", bà Ngân nói, thêm rằng trước mắt sẽ ưu tiên hỗ trợ công nhân khó khăn bằng kinh phí công đoàn để người lao động yên tâm ngày cuối năm.

Liên quan chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, dự báo tình trạng cắt giảm việc làm sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023. Song "làn sóng" này mang tính cục bộ như sau đại dịch và sẽ ổn định khi đơn hàng quay trở lại.

Khảo sát của trung tâm cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn suy giảm đơn hàng song xoay trở bằng cách giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, trả 70% lương để cố giữ chân lao động mà không cắt giảm hàng loạt. Ông Toàn cho rằng doanh nghiệp cũng đã tính đến tình huống nếu sa thải hàng loạt sẽ tốn kém chi phí tuyển dụng mà chưa chắc đã tuyển được người khi đơn hàng quay trở lại.

Sâu xa hơn, chuyên gia nhìn nhận những cú sốc thời đại dịch và các đợt cắt giảm việc làm có thể khiến lao động thay đổi hành vi và tạo xu hướng mới. Trước đây, họ sẵn sàng di cư đến thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp để tìm việc. Sau những biến cố, người lao động có thể chấp nhận ở lại quê hoặc tìm việc ở vùng lân cận với mức thu nhập thấp hơn nhưng gần nhà và an toàn hơn.

"Điều này có thể dẫn tới vòng luẩn quẩn, đặt ra thách thức thiếu lao động trong các khu công nghiệp khi doanh nghiệp trở lại hoạt động", ông Toàn cảnh báo.