Có nên xã hội hóa ngành sư phạm?

Tạp Chí Nhân Đạo
Việc trường tư thục đào tạo ngành Sư phạm từ trước đến nay chưa có tiền lệ trong hệ thống giáo dục nước ta. Tuy nhiên Bộ GD&ĐT dự thảo Điều lệ trường Cao đẳng và Trung cấp Sư phạm trong khi giáo viên đang rơi vào tình trạng thừa thiếu cụ bộ…Liệu điều đó có hợp lý.

Có 2 loại hình trường sư phạm

Năm 2018 là năm đầu tiên Trường Đại học (ĐH) Quốc tế Hồng Bàng và Trường ĐH Đông Á được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh 2 ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học.

Dự thảo Điều lệ trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm chỉ có một vài điểm mới. Theo dự thảo, tại Điều 4, trường sư phạm sẽ được phân thành 2 loại hình: Trường Sư phạm công lập và Trường Sư phạm tư thục. Cơ quan chủ quản là các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh và thành phố. Tuy nhiên 2 loại hình trường sư phạm này vẫn chịu sự quản lý của Bộ GD&ĐT, quản lý hành chính các tỉnh, thành phố nơi trường đặt cơ sở.

nganh-su-pham
Ngành Sư phạm có nên xã hội hóa? Ảnh: Internet

Đối với trường Cao đẳng sư phạm tư thục, Bộ GD&ĐT quy định hội đồng quản trị và hiệu trưởng, trường Cao đẳng Trung cấp tư thục thì UBND cấp tỉnh ra quyết định công nhận.

Trong Dự thảo, khâu tuyển sinh, cấp văn bằng, tổ chức đào tạo đều căn cứ vào Luật Giáo dục nghề nghiệp, cấp bằng cũng sẽ căn cứ theo quy định Luật giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên Bộ GD&ĐT là là đơn vị thẩm định mở ngành, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra.

Điều đó cho thấy ở Dự thảo này khá rắc rối giữa Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu như Bộ GD&ĐT quản lý trường sư phạm thì chỉ là một cấp quản lý, tuy nhiên với Dự thảo mới thì trường Sư phạm sẽ phải chịu sự quản lý của Bộ Lao động TB&XH và Bộ GD&ĐT, điều đó đồng nghĩa với việc các trường muốn đào tạo tuyển sinh phải xin ý kiến của 2 Bộ quản lý.

Phải tính đến hiệu quả và chất lượng

Thời gian góp ý được Bộ GD&ĐT kéo dài đến ngày 30/10/2018, nhưng đến nay đã có rất nhiều quan điểm băn khoăn về chủ trương xã hội hóa ngành sư phạm của bộ này.

Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo cũng là một tín hiệu tốt để huy động nguồn lực xã hội, sẽ có nhiều ngành trước đây trường công lập đào tạo thì bây giờ trường tư thục cũng sẽ tham gia, cạnh tranh về chất lượng hiệu quả. Vì vậy trường công hay trường tư đều cần phải bình đẳng trong việc tuyển sinh, tuyển dụng dựa trên các cơ sở chuẩn đào tạo.

Tuy nhiên một số ý kiến của Đại biểu lại cho rằng việc để trường tư thục đào tạo Sư phạm sẽ gây nên nhiều vấn đề. Theo PGS.TS Mỵ Giang Sơn – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sài Gòn: “Chủ trương xã hội hóa là rất phù hợp. Vấn đề là chúng ta làm như thế nào và phải tính đến hiệu quả. Nếu đẩy các ngành sư phạm qua khối tư thục, tôi e như con dao 2 lưỡi. Các trường làm có tâm thì sẽ có giáo viên chất lượng. Nhưng ngược lại, nếu các trường chỉ chạy theo lợi nhuận, buông chất lượng thì sẽ là thiệt hại khó lường”.

Còn PGS. TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM lại cho rằng nên bỏ luôn hệ Cao đẳng và Trung cấp Sư phạm, thậm chí xóa sổ luôn bởi đến thời điểm hiện tại, khi ngành Giáo dục chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo thì chưa nên cho trường tư tham gia.

Hiện tại vấn đề trường công, trường tư trong ngành Sư phạm vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết các trường Sư phạm hiện nay đều xây dựng theo hướng đa ngành, chất lượng đào tạo cũng như chỉ tiêu đầu ra cho sinh viên ngành Sư phạm còn chưa rõ ràng. Vì vậy nếu như không hiệu quả thì chắc chắn không một nhà đầu tư nào đi mở trường Sư phạm khi tình trạng giáo viên đang dư thừa.

Theo SGGP