Châu Âu tiếp tục đối mặt với một đợt nắng nóng kỉ lục thứ 2

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Cả châu Âu đang tiếp tục vật lộn với đợt nắng nóng thứ hai trong mùa hè đổ lửa năm nay. Nhiệt độ kỉ lục được ghi nhận ở nhiều nơi như Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan.

Đây là đợt cao điểm nắng nóng thứ 2 ở châu Âu, sau đợt cao điểm vào tháng 6 vừa qua. Giới chuyên gia thời tiết Pháp cho biết, dự kiến trong ngày hôm nay (25/7), nhiệt độ tại nhiều khu vực của nước Pháp, bao gồm cả thủ đô Paris sẽ tiếp tục ghi nhận mức kỷ lục mới. Từ đầu tuần, Pháp cũng đã chứng kiến nắng nóng kỷ lục lên đến 41,2 độ C và dự báo sẽ lên đến 42 độ C.

phap1_tnsj
Nhiệt độ ở Paris đã ghi nhận ở mức cao kỉ lục. Ảnh: AFP

Nhiệt độ ở thủ đô Paris hôm qua (24/7) ghi nhận ở mức 40,4 độ C – mức cao kỷ lục kể từ năm 1947.

Trong bối cảnh nắng nóng khiến mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh, giới chức Pháp đã hạn chế việc sử dụng nước tại 73 trong số 96 khu vực hành chính, đồng thời kêu gọi người dân tránh để lãng phí nước.

Nắng nóng cũng ảnh hưởng đến Nhà thờ Đức Bà Paris, mức nền nhiệt tăng cao có thể khiến trần của nhà thờ Đức Bà Paris có thể sập bất cứ lúc nào. Kiến trúc sư trưởng phụ trách việc xây dựng nhà thờ, ông Philippe Villeneuve nói: “Tôi rất lo ngại về đợt nắng nóng này. Như các bạn biết đấy, nhà thờ Đức Bà đã bị phá hủy trong đợt cháy. Các dầm chống đỡ đã có phần lỏng lẻo, cộng thêm bị xối nước để dập cháy. Điều tôi lo sợ là các khớp nối khi bị khô đi sẽ mất đi độ kết dính”.

Nhiet
Bản đồ dự báo nhiệt độ châu Âu ngày 25/7. Ảnh: BBC.

Tờ Guardian ngày 25/7 đưa tin tại Hà Lan, nhiệt độ đo được gần căn cứ không quân Gilze-Rijen lên đến 39,2 độ C vào ngày 24/7 giờ địa phương, thậm chí cao hơn mức kỷ lục 38,6 độ C đo được năm 1944 tại nước này.

Tại Đức, nơi nóng nhất được xác định là thị trấn Geilenkirchen gần biên giới với Hà Lan và Bỉ, lên đến 40,5 độ C.

2019-07-23t132729z1696539864rc1f4a382890rtrmadp3europe-weather-germany-15640302122591936522297
Người dân Đức đi tránh nóng trên biển Baltic ngày 23/7 - Ảnh: Reuters

Tại Bỉ, ông David Dehenauw, phụ trách dự báo thời tiết của Viện Khí tượng hoàng gia (IRM), cho biết mức nhiệt độ cao nhất là 39,9 độ C được ghi nhận tại căn cứ quân sự Kleine-Brogel, cách thủ đô Brussels 100km về phía Đông Bắc, gần biên giới Hà Lan.

Theo ông Dehenauw, đây là mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi mốc nhiệt độ cao nhất tại Bỉ được lưu lại vào năm 1833. Ông cũng cảnh báo nhiệt độ dự kiến có thể đạt mức kỷ lục mới vào ngày 25/7.

Nhiều tuyến đường sắt của Bỉ đã rơi vào tình trạng rối loạn do nắng nóng gây ra. Ngày 24/7, một đoàn tàu cao tốc Eurostar đi London (Anh) và một tàu cao tốc khác là Thalys đi Pháp đã phải dừng giữa đường do một đoạn cáp điện bị đứt ngay bên ngoài thủ đô Brussels.

2019-07-24t154351z491997210rc18aa61e170rtrmadp3europe-weather-belgium-1564030380197236198921
Giải nhiệt bên các vòi nước ở Brussels, Bỉ - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, cơ quan thời tiết Anh dự báo, mức nhiệt kỷ lục 38,5 độ C của Anh ghi nhận tháng 8/2004 ở Faversham, Kent cũng sẽ bị vượt qua trong ngày 25/7. Cơ quan đường sắt của Anh cho biết đã giảm các chuyến tàu trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt. Các chuyến tàu của Pháp cũng giảm bớt hoạt động và nhà vận hành đường sắt quốc gia Pháp SNCF cũng khuyến cáo du khách ở những khu vực mà nóng bức nhất hủy lịch trình khi nhiệt độ lên đỉnh điểm hôm nay.

Bồ Đào Nha cũng đang trong tình trạng cảnh báo đỏ. Nhiệt độ tăng hơn 40 độ C đã gây ra các đám cháy rừng tại khu vực Castelo Branco trong suốt mấy ngày qua.

Tây Ban Nha cũng đã tuyên bố mức cảnh báo đỏ tại khu vực Zaragoza, khu vực bị ảnh hưởng của cháy rừng hồi tháng 6/2019.

Viện Khí hậu Potsdam, Đức cho biết, trong 5 mùa Hè nắng nóng nhất ở châu Âu kể từ năm 1500, tất cả đều rơi vào thế kỷ thứ 21. Giới chức khoa học quan ngại, mức độ nắng nóng hiện nay có liên quan việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Quang Minh (Tổng hợp)