Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ chính thức khánh thành đưa vào sử dụng

Đặng Thu Hằng
Sáng 24/12, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh: Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp tổ chức Lễ Khánh thành 4 dự án gồm: mở rộng cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến giữa các điểm cầu các tỉnh.

Đồng loạt khánh thành 4 dự án giao thông trọng điểm của đất nước

Dự lễ khánh thành dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; Nguyễn Sáng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo tỉnh Hà Giang và Phú Thọ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố; các đơn vị tư vấn, thiết nhà thầu, thi công cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

z5004486324171-adcc78c2fd678e0a00003495722d4617-1703400054.jpg
z5004486317308-6f4816e5cd574bd62e33cc6dd8026ea8-1703400054.jpg
Các đại biểu tham dự lễ khánh thành dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo tổng quan về 4 dự án. Các dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày hôm nay là kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực trung du và miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối, tạo động lực thúc đẩy kinh tế liên vùng và mở ra những cơ hội phát triển mới trong tương lai.

Để hoàn thành các dự án, hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày, đêm, vì công việc, vì tình yêu đất nước, lòng yêu nghề đã vượt qua tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động, không nghỉ trong những ngày lễ, tết để bám máy, bám công trường thi công đảm bảo tiến độ.

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” vượt qua những khó khăn, thách thức, 4 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác để phục vụ Nhân dân vào dịp năm mới 2024. Trong đó, Cảng hàng không Điện Biên có mức đầu tư hơn 1,47 nghìn tỷ đồng trước đây chỉ tiếp nhận được máy bay cỡ nhỏ sau khi được đầu tư xây mới đường băng dài 2.400 m và các công trình kỹ thuật khác đã tiếp nhận được các máy bay cơ lớn kết nối với các sân bay lớn trong cả nước và tương lai sẽ thiết lập các đường bay quốc tế.

Đối với Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 4 làn xe, vận tốc khai thác tối đa 90km/h với tổng mức đầu tư hơn 3,7 nghìn tỷ đồng khởi công từ tháng 2 năm 2021. Đây là một trong những dự án quan trọng được giao cho địa phương là UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư.

z5004486318577-09f497b1db5136fecc291da66697f3cd-1703400054.jpg
Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực cùng với tỉnh Phú Thọ trong công tác huy động giải phóng mặt bằng và triển khai các công tác đầu tư, xây dựng đã về đích sớm theo kế hoạch. Dự án khi đi vào sử dụng sẽ kết nối thuận tiện giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với thủ đô Hà Nội, tạo động lực phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... Dự án đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Tuyên Quang đến thủ đô Hà Nội từ 2 giờ 30 phút xuống chỉ còn hơn 1 giờ đồng hồ.

Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có mức đầu tư 4,8 nghìn tỷ đồng vừa được đưa vào khai thác dài 23km khi kết nối trực tiếp với cầu Mỹ Thuận 2 dài gần 2m bắc ngang sông Tiền sẽ giúp thời gian từ thành phố Hồ Chí Minh về Vĩnh Long chỉ còn 2 giờ so với 3,5 giờ như trước đây.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có phần cầu chính dài 1,9km theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, đường dẫn dài 4,7 km phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư hơn 5 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đây là công trình cầu lớn vượt sông Tiền, cách cầu Mỹ Thuận 1 khoảng 350m từ đó sẽ góp phần quan trọng kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ nằm trong tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ tích cực có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; Bộ Giao thông Vận tải cùng với các địa phương đã và đang mạnh mẽ đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm, thực hiện phân cấp, phân quyền, quyết liệt, bám sát thực tiễn để chỉ đạo, điều hành, nêu cao trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu với mục tiêu hoàn thành các công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ - mỹ thuật, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Đến nay, nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Riêng trong năm 2023 đã đưa vào khai thác 475 km đường bộ cao tốc nâng tổng số đường bộ cao tốc của nước ta lên 1.892 km, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2050, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Cùng với đó, việc đầu tư một số sân bay, bến cảng sẽ đáp ứng sự phát triển của đất nước.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội

Tại buổi lễ, lãnh đạo các tỉnh có dự án khai trương đã phát biểu bày tỏ sự cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là sự quan tâm sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện các dự án trọng điểm.

Từ đó giúp cho các dự án hoàn thành theo kế hoạch, tạo cơ hội động lực rất lớn để phát triển kinh tế xã hội vùng trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC9 thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ và điểm đầu tuyến tại xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang). Dự án được đầu tư bằng hình thức đầu tư công, với tổng chiều dài 40,2 km (địa phận tỉnh Tuyên Quang 11,3Km; địa phận tỉnh Phú Thọ 28,9Km); tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng; quy mô 4 làn xe; tốc độ khai thác 90Km/h.

z5004486319048-de478a93e458722e33218ba9479bf2dd-1703400054.jpg
Dự án có 4 làn xe, vận tốc khai thác tối đa 90km/h với tổng mức đầu tư hơn 3,7 nghìn tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, trong giai đoạn 2021 - 2023 chỉ đầu tư 2 làn xe, 2 làn xe còn lại sẽ đầu tư sau năm 2025. Để phát huy hiệu quả đầu tư, ngày 29/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho phép đầu tư toàn bộ 4 làn xe của dự án và hoàn thành trong năm 2023 (Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Trong quá trình thi công, tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là giai đoạn thi công nước rút từ đầu tháng 10/2023 đến nay, trên tinh thần thi đua “78 ngày đêm vượt nắng, thắng mưa”, Chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công đã đồng tâm, hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, với tinh thần trách nhiệm cao nhất tập trung nhân lực, vật lực, máy móc, thiết bị, thi công "3 ca, 4 kíp" xuyên ngày, xuyên đêm để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch.

Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức hoàn thành, là dấu mốc quan trọng tạo thời cơ mới, khí thế mới và xung lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuyến cao tốc đã mở ra không gian phát triển mới, giúp mở rộng liên kết vùng, tăng tính cạnh tranh về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng; tháo gỡ được điểm nghẽn về giao thông đối ngoại của tỉnh Tuyên, giúp giảm tải cho tuyến Quốc lộ 2 và rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội và tăng cường kết nối giữa các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, đây là một sự kiện quan trọng và hết sức có ý nghĩa đối với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc của các tỉnh. Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt hơn nữa, dự án được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, giao cho tỉnh Tuyên Quang là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

Đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, là nền tảng tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang nói riêng và của đất nước nói chung.

z5004486313407-b521b578f820b735b7aeee09af727fc1-1703400054.jpg
Đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, là nền tảng tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã xem phóng sự về các thành tựu lớn trong lĩnh vực giao thông, những dự án cảng hàng không, đường cao tốc, cầu lớn vừa hoàn thành. Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tại các điểm cầu đã đồng loại cắt băng khánh thành Dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên; Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và Dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Cả 4 dự án khởi công hôm nay đều thể hiện sự hiệu quả trong công tác phân cấp phân quyền, giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án, áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho các dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương.

Các cơ chế này đều đã phát huy tối đa tác dụng, khẳng định sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc ban hành cơ chế mới, mạnh dạn hơn để hoàn thành mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết của Đảng.

Mạnh Linh