Cần quan tâm đúng mức đến ATTP học đường

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - An toàn thực phẩm học đường luôn là vấn đề khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Trách nhiệm kiểm soát vấn đề này thuộc về các cơ quan quản lý giáo dục.

 

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống nhận được một số thông tin phản ánh liên quan đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trong nhà trường trên địa bàn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, hồ sơ năng lực cũng như những kiểm định của một số nhà cung cấp thực phẩm cho nhà trường không đảm bảo theo quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để làm rõ sự việc, nhóm phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã tiếp xúc và làm việc với UBND huyện và Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành. Đồng thời, xuống thực tế tại một số nhà trường để có những thông tin chính xác nhất.     

Như thông tin phản ánh, các trường mầm non Thành Hưng, mầm non Vân Du, mầm non Kim Tân đều có những sai phạm và thiếu sót cơ bản giống nhau. Điển hình là biên bản lấy mẫu nước (nước giếng khoan đã qua máy lọc) của 3 trường vào ngày 22/3/2018 đến nay vẫn chưa có phiếu trả kết quả chính thức. Liệu nguồn nước này có đảm bảo chất lượng để cho các cháu sử dụng hay không?

a3617667fff755cdde421b481bb55f23.0
Trường mầm non Vân Du có nhiều dấu hiệu sai phạm liên quan an toàn thực phẩm

Đặc biệt, tại trường mầm non Vân Du với gần 300 học sinh ăn bán trú, vẫn còn nhiều tồn tại liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) trong hợp đồng của Nhà trường ký với các nhà cung cấp thực phẩm.

Cụ thể như hợp đồng mua bán hàng hóa về sản phẩm sữa Dielac học đường do bà Lê Thị Như Quỳnh (Phó hiệu trưởng nhà trường) ký với Shop Linh Hằng (do ông Nguyễn Huy Linh làm đại diện) ngày 1/9/2017.

Theo đó, Shop Linh Hằng sẽ cung cấp sản phẩm sữa Dielac học đường cho nhà trường. Vậy nhưng, Shop Linh Hằng lại không có ủy quyền làm đại lý cung cấp, phân phối sữa của hãng sữa Dielac. Liệu nguồn gốc và chất lượng sản phẩm mà Shop Linh Hằng cung cấp cho trường mầm non Vân Du có phải của hãng sữa Dielac?

Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm sản phẩm sữa dinh dưỡng Dielac dạng bột từ ngày 12/11/2016, theo quy định thì đã hết hạn nhưng trong hồ sơ vẫn chưa được bổ sung kết quả thử nghiệm mới.

Về vấn đề thực phẩm tươi sống, sản phẩm thịt lợn do bà Lê Thị Luyến cung cấp với nhà trường chưa đảm bảo bởi bản thân bà Luyến chưa có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.

Đối với sản phẩm thịt gà, ngan, vịt do bà Đỗ Thị Thanh cung cấp, nhà trường không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến ATTP. 

1
Tại thời điểm làm việc, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y của hô kinh doanh Đào Thị Phượng đã hết hạn từ ngày 1/4/2018.

 

Tương tự, trường mầm non Thành Hưng có 353 học sinh ăn bán trú nhưng hồ sơ năng lực của các nhà cung cấp vẫn còn nhiều bất cập

Theo hợp đồng mua bán giữa bà Phạm Thị Hoan (Phó Hiệu trưởng nhà trường) với hộ kinh doanh Đào Thị Phượng hồi tháng 08/2017 về thực phẩm tươi sống thì giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y của hô kinh doanh Đào Thị Phượng đã hết hạn từ ngày 1/4/2018. Nhưng lại chưa được bổ sung thêm trong hồ sơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ATTP.

Còn với trường mầm non Kim Tân, nhóm thực phẩm thịt gà, thịt ngan, thịt vịt của bà Phan Thị Tuyến vẫn còn thiếu một số giấy tờ kèm theo. Hoặc trường hợp cung cấp thịt lợn của bà Doãn Thị Minh, nhà trường cũng cần phải bổ sung thêm giấy tờ cho đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Tuấn - Đoàn Tấn