Các loại thuốc, thiết bị y tế cần dự trữ trong mùa dịch Covid

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và nước ta. Để có thể tự bảo vệ bản thân cũng như các thành viên trong gia đình thì mỗi gia đình nên dự trữ sẵn những loại thuốc, thiết bị y tế thiết yếu để có thể chủ động giải quyết những vấn đề sức khỏe thường gặp.

Tủ thuốc gia đình dành cho cả người lớn nhưng nó sẽ đặc biệt hữu dụng với những gia đình có trẻ em. Một số loại thuốc, vật dụng y tế mà mỗi gia đình cần trang bị sẵn trong mùa Covid:

1. Thuốc hạ sốt, giảm đau

Loại phổ biến là Aspirin - thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), có tác dụng giảm đau hạ sốt, từ cơn đau nhẹ đến đau vừa như đau cơ, đau răng, cảm lạnh thông thường, và nhức đầu. Thuốc cũng có thể được sử dụng để giảm đau và sưng do viêm khớp.

2. Thuốc sát trùng

Điển hình là lọ povidine, hoặc methylen (Milian) để sát trùng vết thương ngoài da, đồng thời chống nhiễm trùng cho vết thương. Cồn (Alcool) 700 hay 900 thường dùng để sát trùng tay trước khi thao tác. Dầu khuynh diệp có tính sát khuẩn giảm sưng dành cho những trường hợp bị côn trùng cắn đốt (muỗi đốt chẳng hạn) hay thoa lúc bị cảm lạnh. Vaseline, thuốc mỡ giúp làm lành những vùng da, môi bị nứt nẻ…

3. Oresol và men vi sinh

Thông dụng là loại oresol dạng gói pha, áp lực thẩm thấu thấp là tốt nhất, sử dụng khi rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy... gây nôn hoặc mất nước…Tránh dùng oresol dạng nước pha sẵn thường có các chất điện giải không cân bằng dễ gây rối loạn các chất điện giải trong máu.

4. Nước muối sinh lí

Dung dịch NaCl 0,9% (còn gọi là nước muối sinh lý) được dùng để làm sạch mắt, mũi; rửa vết thương, súc họng,… Lưu ý không được làm bẩn đầu lọ thuốc.

5. Các dụng cụ y tế:

- Bông, băng, gạc y tế: để cầm máu, lau chùi, băng bó vết thương…

- Nhiệt kế, bộ đo huyết áp: kiểm tra trạng thái của cơ thể.

Bên cạnh việc dự trữ thuốc thì ta cũng cần phải quan tâm đến nơi để thuốc sao cho thật khô ráo, xa tầm tay trẻ em, bảo quản ở nơi mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào…

1

Một số lưu ý

Nếu dùng thuốc thông thường trị các rối loạn nhẹ ở trẻ sau 1 ngày mà không thấy đỡ phải đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh.

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Do đó, không được dùng thuốc của người lớn chia nhỏ ra để cho trẻ uống.

Một điều rất quan trọng là cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi cho trẻ sử dụng thuốc.

Tủ thuốc nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh nắng rọi trực tiếp và tránh xa được tầm với của trẻ nhỏ.

Hàng năm, bạn nên tiến hành rà soát tủ thuốc một lần để loại bỏ những thuốc đã hết hạn sử dụng. Tốt nhất là nên giữ nguyên bao bì của những loại thuốc đã mua vì trên đó bạn có thể biết thông tin quan trọng như hạn sử dụng, liều dùng, cách bảo quản.

Dán hoặc treo cạnh tủ thuốc hướng dẫn xử trí sơ cứu trong những trường hợp khẩn cấp như bị bỏng, bị đột quỵ…

Dán danh sách các số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại của bệnh viện, bác sĩ gia đình để có thể gọi hỏi thông tin cấp kỳ. Bạn cũng nên ghi cả địa chỉ và số điện thoại của chính mình để tránh trường hợp luống cuống không thể suy nghĩ cho rõ ràng. Trong tủ nên để sổ y bạ hoặc sổ để ghi chép theo dõi sức khỏe của trẻ và các thành viên khác trong gia đình.

Trà Giang