Các công trình, mô hình nhân đạo tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho người dân

Tạp Chí Nhân Đạo
Cứu trợ nhân dân trong thiên tai, thảm họa, chăm sóc đưa người dân thoát nghèo và ổn định cuộc sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tạo dựng vị thế T.Ư Hội CTĐ Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Hội CTĐ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2016), tại tất cả các cấp Hội CTĐ từ trung ương đến địa phương trên cả nước đều ra sức thi đua làm tốt công tác nhân đạo.

Những công trình được xây dựng và đi vào hoạt động như cột mốc khẳng định sức mạnh nhân đạo của T.Ư Hội CTĐ Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc cứu trợ nhân dân trong thiên tai, thảm họa, mà nhiệm vụ chăm sóc đưa người dân thoát nghèo và ổn định cuộc sống cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tạo dựng vị thế T.Ư Hội CTĐ Việt Nam trong giai đoạn mới.

anh chi AN
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An trao quà cho người dân.

Công trình nhân đạo mang cần câu và con cá cho hộ nghèo

Giữa thời buổi khắp nơi thi đua xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà cửa kiên cố thì những mái ngói, nhà xây ở xã Ngọc Minh vẫn trở thành thứ xa xỉ. Vẫn nhà sàn, mái lợp tranh tre và cọ là chủ yếu. Cái nghèo, cái đói vẫn đeo đẳng bám trụ và làm đau đầu các cấp, các ngành của tỉnh Hà Giang. Bởi sinh kế là một bài toán khó, huy động nguồn lực để phát triển đã khó và tìm cái gì phù hợp để thay đổi cuộc sống của nhân dân nơi đây lại càng khó.

Cong trinh ND 2
Ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư Hội CTĐ Việt Nam, tặng quà cho các cháu nhỏ tại trường mầm non điểm làng Almoi, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

Sau một thời gian đánh giá thực trạng và cân nhắc tại các địa phương, Hội CTĐ Việt Nam đã quyết định chọn xã Ngọc Minh để khởi công xây dựng công trình nhân đạo với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Chỉ trong vòng 3 tháng, Công trình nhân đạo bao gồm 70 ngôi nhà, 70 bồn chứa nước và 70 con bò giống cho 70 hộ dân nghèo tại xã Ngọc Minh đã hoàn thành và bàn giao tận tay người dân với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại tại 70 hộ nghèo đặc biệt khó khăn này, 70 con bò sau khi sinh sản lứa đầu tiên sẽ chuyển cho những hộ nghèo tiếp theo trong xã. Cứ như thế nhân lên, thêm vài năm nữa, tất cả các hộ nghèo trong xã sẽ có một nguồn sinh kế ổn định và nhanh chóng thoát nghèo.

Trong các công trình nhân đạo mà Hội CTĐ Việt Nam lựa chọn và triển khai, phải kể đến công trình xây dựng điểm trường mầm non tại điểm làng Almoi, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Bởi đây không chỉ là một công trình nhân đạo bình thường cho một số đối tượng hưởng lợi cụ thể, mà nó còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng, với tổng kinh phí 760 triệu đồng. Trường Mầm Non có diện tích 105m2, trong đó 2 phòng học và các hạng mục như sân bê tông, nhà vệ sinh, cổng, hàng rào xung quanh trường, bể nước sinh hoạt…

Chia sẻ trong niềm hân hoan về trường mới, cô Lê Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng. Trường mẫu giáo Ia Pết- huyện Đak Đoa- tỉnh Gia Lai (phụ trách điểm trường Almoi), cho biết: Trước khi T.Ư Hội CTĐ Việt Nam khởi công xây dựng 2 phòng học tại điểm làng Alamoi, thì các cháu phải học trong điều kiện phòng học tạm bợ, nền đất vách bằng tranh, tre. Trời nắng thì nóng, bụi bẩn, trời mưa thì lạnh, ẩm thấp hôi hám, trời mùa đông thì càng khổ hơn khi gió lạnh rít qua vách tường. Các giáo viên ở đây từ lâu đều mong muốn có một ngôi trường tốt hơn cho các cháu học tập, nhưng điều kiện kinh phí của tỉnh hạn hẹp, bà con nhân dân ở đây đa phần là làm nương rẫy nên cuộc sống cũng không dư dả gì. Nếu không có sự giúp đỡ của Hội CTĐ Việt Nam thì có thể rất lâu nữa, các cháu cũng không được học trong ngôi trường mới to, đẹp và khang trang như thế này. Sau khi các cháu được học tập tại 2 lớp học mới mà T.Ư Hội CTĐ Việt Nam xây dựng, nhân dân ở đây rất vui, phấn khởi, đưa con đến lớp đều đặn.

T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cũng như các tỉnh, thành Hội đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều công trình nhân đạo thiết thực chào mừng ngày lễ trọng đại này. Một lần nữa, các công trình nhân đạo được triển khai và đi vào sử dụng khẳng định vị trí và vai trò của Hội CTĐ Việt Nam “điều phối – cầu nối” giữa người cần giúp đỡ và những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mong muốn chung tay giúp đỡ cho người nghèo trên khắp cả nước.

Trồng rừng ngập mặn: Vành đai xanh cho người dân ven biển

Trong nhiều năm qua, được sự hỗ trợ của cộng đồng CTĐ quốc tế, Hội CTĐ Việt Nam triển khai dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa”  đã mang lại hiệu quả lớn. Những cánh rừng ngập mặn (RNM) xanh mướt tạo thành một vành đai vững chắc, như những “bức tường xanh” bảo vệ cuộc sống cư dân và các công trình ven biển. Bên cạnh đó, còn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, tạo môi trường sinh thái vùng ven biển cho những địa phương của Dự án.

T10 Vanh dai xanh 2
Cán bộ CTĐ cùng tham gia trồng RNM tại Quảng Ninh.

Gần 20 năm qua, được sự tài trợ của các tổ chức và chính phủ các nước, dự án trồng RNM do T.Ư Hội CTĐ Việt Nam triển khai tại nhiều tỉnh, thành đã góp phần giảm thiểu rủi ro, mang no ấm về với cộng đồng dân cư ven biển.

Dự án đã hỗ trợ trồng được 6.510ha RNM ở 15 xã của 3 huyện ven biển tỉnh Nam Định là: Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Xã Giao An, huyện Giao Thủy là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, triều cường, sạt lở đê biển vào mùa mưa bão. Cuộc sống của người dân ở khu vực này luôn bị đe dọa. Từ khi xã Giao An được triển khai Dự án, toàn xã có trên 2 nghìn hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án. Đến nay, xã Giao An đã trồng mới được trên 1.200ha RNM và trồng xen được gần 900ha các loại cây trang, đước, bần.  Anh Nguyễn Văn Oánh, người dân được hưởng lợi từ Dự án, cho biết: Từ khi RNM được hồi sinh, tôm cá về nhiều hơn trước rất nhiều. Các bãi bờ ngày càng cao lên, nó cao lên bao nhiêu thì người dân được lợi bấy nhiêu.

Trong cánh RNM của xã Đông Hoàng (huyện Tiền Hải), dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người làm nghề khai thác thủy hải sản đang tìm bắt những loài nhuyễn thể trong lớp bùn đất dưới những gốc cây rừng. Họ là những người dân ven biển với công việc thường nhật là khai thác cái loài thủy, sinh vật sẵn có do rừng mang lại như các loài tôm, cua, ốc, ngao, sò… Từ khi có rừng, những loài này cũng trở nên nhiều hơn, nghề đánh bắt của bà con cũng ổn định hơn.

Ðến khu vực phường Yên Giang, bám theo tuyến đê cửa sông Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên hay xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) hiện nay, không khỏi choáng ngợp bởi màu xanh ngút ngàn của RNM với cây sú, đước. Cây cao nhất dễ phải đến 12m, cây thấp cũng phải từ 5 - 7m... Những năm qua, rừng phát triển xanh tốt đã tạo thành một “bức tường xanh” vững chắc, góp phần tích cực chắn sóng bảo vệ đê biển, cải thiện đời sống nhân dân.

Xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi từ lâu đã trở thành một trong những điểm sáng trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ RNM của tỉnh Thanh Hóa cũng như của cả nước. Giờ đây, không chỉ 89ha rừng của dự án CTĐ triển khai mà 452ha RNM của toàn xã được trồng từ nhiều dự án.

Số liệu gần đây nhất của Hội CTĐ Việt Nam cho thấy, riêng dự án “Trồng RNM – Giảm thiểu rủi ro thảm họa” giai đoạn 2011 – 2015 được Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ triển khai trên 205 xã thuộc 10 tỉnh ven biển và miền núi tại Việt Nam (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình) đã tổ chức chăm sóc, bảo vệ trên 9.000ha RNM, trên 700ha tre và phi lao; trồng mới 107,6ha RNM và 25,6ha rừng phòng hộ.

Tại các vùng của Dự án, người dân đã thấy được giá trị kinh tế về nguồn lợi thủy hải sản khá phong phú. Có một thời, con người đã tận dụng quá mức và sẵn sàng phá bỏ để làm ao đầm nuôi hải sản với mong muốn thụ lợi được nhiều và nhanh hơn. Hiện nay, khác với trước kia, họ không khai thác tận diệt, mà sống hài hòa với thiên nhiên. Từ việc nuôi ong lấy mật, nuôi chim, cá, thủy sản, cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây đã có những đổi thay thực sự. Họ đã quyết tâm bám rừng, tìm sinh kế vun đắp một cuộc sống tốt hơn, bền vững hơn. Ngoài những hình thức khai thác tự nhiên trong RNM, người dân các xã ven biển còn dựa vào rừng tạo nên các hình thức nuôi trồng kinh tế, như nuôi tôm quảng canh hay phát triển nuôi trồng cả những mùa vụ, thời điểm mà trước kia không thể phát triển do gió bão, triều cường xâm nhập. Có thể khẳng định, sau gần 20 năm nỗ lực triển khai, giá trị mà Dự án mang lại cho thành phố là vô cùng lớn. Với hệ thống rừng được trồng, bảo vệ, chăm sóc phát triển xanh tốt và ý thức sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra luôn thường trực trong tâm thức của mỗi người dân đã tạo ra “bức tường” phòng hộ bền vững, hỗ trợ cộng đồng dân cư giảm thiểu rủi ro trước thiên tai, biến đổi khí hậu.

“Ngân hàng bò”: Tạo sinh kế cho người nghèo

Từ năm 2010, Ban Chấp hành T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã phát động triển khai dự án “Ngân hàng bò” với mục tiêu giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi bò sinh sản, phục hồi sinh kế bền vững, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, từ năm 2013, được sự quan tâm, chỉ đạo của đồng chí Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự của Hội, Hội CTĐ Việt Nam đã đẩy mạnh, phát triển Dự án với thông điệp: "Ngân hàng bò- Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” phấn đấu toàn Hội vận động nguồn lực để mua bò sinh sản hỗ trợ 62 huyện nghèo và các xã biên giới, góp phần cùng Đảng và Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.

T11 Ngân hang bo
Trao bò cho hộ nghèo ở Hải Phòng.

Qua 6 năm tổ chức thực hiện, trong điều kiện kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hoạt động hạn chế, nhiều chương trình, cuộc vận động hỗ trợ cho người nghèo của nhiều tổ chức cùng triển khai làm hạn chế công tác vận động nguồn lực cho Dự án, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm; với quyết tâm và trách nhiệm cao của các cấp, Hội đã cấp gần 20.000 con bò cho gần 20.000 hộ nghèo tại 61 tỉnh, thành (trong đó có 62 huyện nghèo, 452 xã biên giới) với tổng kính phí trên 180,8 tỷ đồng. Với những kết quả đạt được, Dự án được cấp ủy, chính quyền các địa phương và các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Dự án “Ngân hàng bò” không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo trên toàn tỉnh, mà còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân tương ái; từng bước góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Mong rằng trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để “Ngân hàng bò” ngày một lan tỏa, trao thêm những niềm vui, hy vọng mới cho các hộ nghèo.