Các chương trình mục tiêu quốc gia bám sát mục đích giảm nghèo bền vững

Đặng Thu Hằng
Sáng 30/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, do đó phiên thảo luận đã thu hút đông đảo cử tri Bình Thuận theo dõi.

Chú thích ảnh Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo ông Hoàng Văn Thu (cử tri thị xã La Gi), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc. Nghị quyết của Quốc hội xác định cả 3 chương trình đều đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng; hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được cải thiện.

Tính đến 30/6/2023, cả nước đã có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã tập trung vào các vùng nghèo, khó khăn nhất của cả nước, cơ bản bám sát mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều bao trùm. Năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 0,52 % so với năm 2020; năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17 % và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1 %.

Ông Nguyễn Văn Khoa (cử tri huyện Hàm Thận Bắc) đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bám sát mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt các vùng khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, khoảng cách, mức sống, thu nhập bình quân chung của cả nước. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng cho thấy việc thực hiện các chương trình còn nhiều hạn chế, kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững. Một số địa phương có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới, một số địa phương vẫn nợ tiêu chí nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia có phạm vi khá rộng. Theo báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chương trình, Đoàn đã giám sát trực tiếp 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng của các chương trình và cùng tham gia bình luận về nội dung giám sát chuyên đề này.

Cử tri Nguyễn Phúc Hòa, phường Hưng Long (thành phố Phan Thiết) nhận định qua hơn 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần đưa Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn. Những kết quả đạt được của chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Việc tường thuật trực tiếp phiên thảo luận về các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo điều kiện cho cửa tri cả nước nói chung và cử tri Bình Thuận nói riêng được theo dõi chặt chẽ, cụ thể về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Từ đó cử tri có thể nhận dạng rõ hơn quá trình phát triển của đất nước cũng như mục tiêu cụ thể trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, công tác điều hành của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, trong đó ưu tiên cho việc phát biểu thảo luận của các đoàn để tránh trùng lắp thông tin, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả phiên thảo luận của Quốc hội.

Phiên thảo luận sáng 30/10 đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đóng góp ý kiến cụ thể, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động của Quốc hội, phản ánh được những ý kiến trăn trở, bức xúc của người dân về các vấn đề. Qua hoạt động thảo luận đã có nhiều nội dung trọng tâm được giải quyết. Cử tri mong muốn những đổi mới của các phiên họp Quốc hội sẽ tạo ra sức lan tỏa để những vấn đề đang tồn tại được xử lý nhanh và dứt điểm.