Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện khi bán lẻ bình quân tăng từ 1%

Nguyễn Diệp Linh
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Giá bán lẻ điện bình quân, theo quy định hiện là 1.864,44 đồng một kWh, áp dụng từ năm 2019 đến nay. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện EVN chỉ được tăng giá điện nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3%, mức giá này điều chỉnh khi các thông số đầu vào của các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) tăng. Tuy nhiên, tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất chỉ cần giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1%, EVN có thể tăng giá điện sinh hoạt.

2759-web-evn1-1663994493327-1664064619.jpgKhi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng. Ảnh: Công an nhân dân

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng 1% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN sẽ được quyết định tăng giá điện. Tập đoàn này sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng 5% đến dưới 10% và trong khung giá, EVN lập phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau đó, Bộ Công Thương sẽ cùng các cơ quan rà soát, kiểm tra và có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện do EVN trình. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan quản lý, EVN quyết định tăng giá điện theo từng nhóm khách hàng từ ngày 1/10 của năm có biến động giá.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng 10% trở lên, thẩm quyền quyết định tăng giá thuộc Thủ tướng. Quyết định sẽ được Thủ tướng đưa ra trên cơ sở báo cáo, rà soát từ các cơ quan quản lý và ý kiến của Ban chỉ đạo điều hành giá. Thời gian điều chỉnh từ ngày 1/10 của năm biến động giá.

Hiện, giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay. Theo tính toán của EVN hồi tháng 6, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 tăng lên mức 1.915,59 đồng/kWh (không gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại 2019-2021 của các đơn vị phát điện). Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng.

Ông Đào Nhật Đình, chuyên gia năng lượng, cũng cho rằng giải pháp tốt nhất và dài hạn là điều chỉnh tăng giá điện bán lẻ. Tuy nhiên, việc này ngoài thẩm quyền của EVN và Bộ Công Thương.

"Tăng giá 5-10% sẽ đủ bù đắp chi phí hiện tại và khuyến khích cho nguồn điện tương lai", ông nhận định.

Theo vị chuyên gia, với giải pháp nguồn điện, nếu EVN chọn khuyến khích tăng các nguồn có giá thành thấp như thủy điện hiện nay cũng không dễ dàng bởi các nguồn thủy điện Việt Nam gần như đã hết. "EVN cần giảm các nguồn điện có giá thành cao nhưng trong điều kiện thiếu nguồn phát vào giờ cao điểm và thừa nguồn giờ thấp điểm thì EVN cũng ít có lựa chọn", ông đánh giá.

Hiện Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ này đề xuất EVN sẽ được điều chỉnh tăng giá điện khi các chi phí đầu vào biến động, làm giá bán lẻ bình quân tăng 1% trở lên so với hiện hành thay vì từ 3% theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng.