BN 91 tỉnh táo hoàn toàn: Kỳ tích của các y, bác sĩ Việt Nam

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Hơn 2 tháng qua, các y, bác sĩ Việt Nam đã nỗ lực từng ngày, từng giờ để giành giật sự sống cho bệnh nhân 91, và kì tích đã xuất hiện khi đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân này đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tiếp xúc, thực hiện được đầy đủ các y lệnh của nhân viên y tế.

Nỗ lực tận tình cứu chữa

Bệnh nhân 91 - một trong những ca bệnh Covid-19 từng đến quán bar Buddha (phường Thảo Điền, Quận 2) – “ổ dịch” lớn nhất khu vực phía Nam, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh vào ngày 18/3 trong trạng thái sức khỏe bình thường.

Ngày 20/3, các xét nghiệm xác định nam phi công dương tính với Covid-19, là bệnh nhân 91 tại Việt Nam. Từ ngày 25/3, bệnh nhân 91 phải chuyển sang thở oxy qua mặt nạ. Đến ngày 5/4, phải thở máy xâm lấn và từ 6/4 phải can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ khi tiếp nhận bệnh nhân 91, các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã nhận định đây là một ca rất khó. Bệnh nhân có tải lượng virus cao gấp nhiều lần các ca bệnh đang điều trị Covid-19 tại đây, nguy cơ lây nhiễm cho bệnh viện y tế là rất cao. Bệnh nhân dù còn trẻ tuổi (43 tuổi), cao 1m81, không có tiền sử bệnh nền nhưng lại mắc chứng béo phì (nặng 100 kg). 

1622_ba
Các bác sĩ hội chẩn phương án điều trị cho bệnh nhân 91.

Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của BN đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể gọi là cơn bão cytokine, đặc biệt tấn công phổi gây tổn thương nặng nề.

Theo BS Phong, các BN thở máy có nhiều nguy cơ tử vong, hiếm ai cầm cự quá 10 ngày đến nửa tháng nhưng BN91 thở máy kéo dài hơn một tháng đã là một kỳ tích.

BS Phong cho biết quá trình điều trị cho BN, BV gặp muôn vàn khó khăn khi phải vừa điều trị, vừa mày mò học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ gặp hội chứng cơn bão cytokine, BN còn bị rối loạn đông máu do COVID-19, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT - giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO.

Tinh thần “tương thân, tương ái” của người Việt Nam

Tuy nhiên, khi đã trải qua 55 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong đó có 36 ngày can thiệp ECMO, nam phi công đang trong tình trạng 2 phổi đông đặc. Do vậy, việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả, bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, nguy cơ phổi trở thành “ổ vi khuẩn”, Hội đồng Chuyên môn điều trị COVID-19 đã xem xét đên phương án phải ghép phổi.

Nhưng chính trong thời gian này, tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam đã được thể hiện, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhận được nhiều đề nghị tình nguyện hiến phổi khi tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 ngày càng xấu. Được biết, trong số 30 người đăng ký, người trẻ nhất mới 35 tuổi. Tất cả không quen biết bệnh nhân số 91 nhưng đều có tâm nguyện được san sẻ một phần cơ thể để cứu bệnh nhân. Nhiều người đã cung cấp đầy đủ thông tin về nhóm máu, chiều cao, cân nặng.

“Những người tình nguyện chia sẻ, họ mong muốn hiến tạng cứu bệnh nhân nặng, như một hành động đồng hành cùng nỗ lực của mọi người Việt khác ngăn chặn dịch bệnh và cũng là vì muốn giúp đỡ bệnh nhân trong khả năng của mình”, ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cho biết.

Với sự nỗ lực từng ngày của các y, bác sĩ, từ lúc chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong nếu rời ECMO, kỳ tích sau 10 ngày tiếp theo là sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần với các dấu hiệu sinh tồn ổn định, 30% phổi được hồi phục. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh khi điều trị bệnh nhân 91 không còn virus SARS-CoV-2. Đến chiều 22/5, bệnh nhân 91 được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh sang Bệnh viện Chợ Rẫy (phường 12, quận 5) để tiếp tục điều trị nội khoa, hồi sức, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.

Đến thời điểm 19 giờ ngày 2/6, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, BN 91 đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tiếp xúc, thực hiện được đầy đủ các y lệnh của nhân viên y tế. Đặc biệt, BN91 có thể mỉm cười, lắc đầu và bắt tay với nhân viên y tế.

Theo các bác sĩ, chức năng hô hấp của BN đã cải thiện dần, ô xy máu ổn định. Các thông số về nhiễm trùng dần dần trở về mức gần bình thường và chức năng thận hoàn toàn bình thường. Các kết quả cấy gần nhất về vi trùng (vi khuẩn) Burkholderia cepacia dù vẫn còn vi trùng ở trong đàm nhưng số lượng đã giảm.

BN91 đã được cai ECMO (ô xy hóa máu màng ngoài cơ thể) 2 ngày qua. Về phổi, 1/2 phổi bên trái BN91 đã cải thiện gần như hoàn toàn. Đặc biệt, phổi phải bắt đầu có cải thiện về mặt chức năng hô hấp. Tuy nhiên, BN91 hiện phải phụ thuộc vào thở máy, có thể cần thời gian 1 tháng hoặc dài hơn nữa.

78423685_2999650356778798_2624391984709632000_o_pxwa
Bệnh nhân hiện tại đã có thể tiếp nhận từng thìa dinh dưỡng được các bác sĩ đút, có thể cử động ngón tay, bàn chân, mấp máy môi, nhấp nháy mắt và ông đã rơi nước mắt khi các bác sĩ, điều dưỡng hỏi thăm (Ảnh: Thông tin Chính phủ)

Nhìn lại một số thời điểm thập tử nhất sinh của bệnh nhân người Anh này, khi phổi gần như đông đặc (chỉ còn 10%-20%-30% và hiện tăng lên 40% hoạt động) thì kết quả đạt được đến nay đó là một kỳ tích, và sự nỗ lực phi thường của các y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy và các chuyên gia trong Hội đồng Chuyên môn điều trị Covid-19.

Tại cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 diễn ra vào ngày 2/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng đề cập đến tình hình phòng chống dịch Covid-19 khi 48 ngày qua chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, phần lớn ca nhiễm Covid-19 đã ra viện. Đặc biệt, BN 91, phi công người Anh, có nhiều tiến triển và đó là tin vui đối với chúng ta. Thủ tướng bày tỏ, nhiều tờ báo lớn của quốc tế đưa tin về thành công phòng, chống Covid-19 của Việt Nam.

Truyền thông quốc tế đánh giá cao

Hãng tin Reuters trong một bài sâu rộng về tiến trình chữa trị cho "bệnh nhân 91", viết: "Nam phi công là bệnh nhân nặng nhất của Việt Nam, đang được chính phủ Việt Nam điều trị miễn phí". Dưới tiêu đề nhấn mạnh việc nỗ lực cứu mạng công dân Anh, hãng nhắc lại lần nữa trong bài rằng Việt Nam "không tiếc bất cứ gì để giữ lại cuộc sống cho người đàn ông 43 tuổi". 

Tờ Financial Times ngày 23/5 đưa tin, sau nhiều ngày được tích cực cứu chữa, bệnh nhân người Anh vẫn trong tình trạng xấu khi đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống ECMO và nhiễm trùng phổi chưa được khống chế. Đã có ít nhất 60 người, bao gồm cả các bác sĩ, y tá, phóng viên, cựu chiến binh… tình nguyện hiến phổi cho bệnh nhân người Anh.

Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong công tác chống dịch Covid-19. "Việt Nam là một điểm sáng trong chống dịch Covid-19 và đang mở các hoạt động kinh doanh trở lại", NPR viết. "Nhờ những hoạt động ráo riết trong việc theo vết, cách ly và xét nghiệm, nước này đã giữ được số ca nhiễm quanh mức 300 và chưa có tử vong". 

Tổng Lãnh sự Anh đặc biệt cảm ơn Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, đã dành mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân số 91: “Các bác sĩ và điều dưỡng đã làm việc không mệt mỏi và không tiếc công sức để cứu sống anh Stephen Cameron (bệnh nhân số 91). Chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ với Bộ Y tế và bệnh viện trong quá trình anh Stephen Cameron được điều trị. Cập nhật thông tin liên tục cho gia đình và bạn bè của anh. Nói một cách chân thành là chúng tôi không thể đòi hỏi hơn bất kỳ điều gì. Cảm ơn tất cả các bác sĩ, chuyên gia, điều dưỡng, đã tham gia điều trị cho ca này…”, bức thư nhấn mạnh.

Quang Minh