Bệnh dại – Bệnh truyền nhiễm cấp tính có nguy cơ tử vong cao

Lã Thị Thúy hằng
Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Người bị nhiễm virus dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.

Nam sinh lớp 9 phát bệnh rồi tử vong sau một tháng bị chó dại cắn

Ngày 26/5, ông Trần Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho biết, trên địa bàn xã này vừa xảy ra vụ việc một nam sinh lớp 9 tử vong vì bị chó dại cắn.

Nạn nhân là em Cao Nhật L. (SN 2007), trú thôn 2, xã Thạch Hóa. Vào ngày 25/5, em L. lên cơn sốt, có nhiều triệu chứng bất thường như mệt, đau nhiều ở chân bị chó cắn và có biểu hiện sợ gió... Gia đình sau đó đã đưa L. vào bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên em đã phát bệnh dại.

Đến sáng 26/5, nam sinh Cao Nhật L. đã tử vong. Được biết, hoàn cảnh của gia đình em L. hết sức khó khăn. Cách đây một tháng, L. bị chó cắn khi đang chơi thể thao, sau 2 ngày cắn em L., con vật đã chết.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, hiện trên thế giới chưa có phương pháp nào có thể điều trị được căn bệnh dại do chó cắn. Từ cuối năm 2021 đến nay, đây là ca thứ 4 bị chó dại cắn tại Quảng Bình, tất cả đều không qua khỏi.

Bệnh dại là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus dại

Phòng bệnh lây nhiễm từ chó, mèo như thế nào?

Đối với bệnh dại: Căn bệnh này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iodine hoặc povidone. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương.

Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Với các bệnh giun chó mèo, sán chó: Để phòng bệnh, tốt nhất là không ăn thực phẩm sống, thực phẩm nhiễm bẩn và không ăn khi chưa rửa tay.

Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải.

Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh lông chó, mèo rụng bay khắp nhà dính lên giường chiếu, quần áo, chăn nệm. Nên tắm thường xuyên cho chó, mèo. Đặc biệt, nhớ tẩy giun cho “thú cưng” đúng thời hạn.

TH