Bắt đầu từ năm học 2022 – 2023: Lịch sử là môn học quan trọng, không thể thiếu trong dạy và học

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo kế hoạch thực hiện, môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng một số nội dung ở môn Lịch sử bậc THPT trở thành nội dung bắt buộc áp dụng từ năm học 2022 – 2023.
ls-1535-16575927707411706412703-1657608698.jpg
Với 52 tiết Lịch sử bắt buộc mỗi năm ở cấp THPT, Lịch sử trở lại vị trí của môn học quan trọng, không thể thiếu

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị chuyên môn thành lập Ban biên soạn, tổ biên tập và tổ chức thẩm định phần nội dung Lịch sử bắt buộc. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8. Sau đó, các đơn vị tiếp tục thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử với nhiệm vụ biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, hoàn thành trước ngày 25/8.

Để chuẩn bị, các đơn vị sẽ tổ chức các đợt tập huấn 3 buổi/đợt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm hướng dẫn giáo viên, các trường về phần nội dung Lịch sử bắt buộc mới, hoàn thành trước 20/9.

Ngoài 52 tiết bắt buộc/năm ở cấp THPT mà tất cả các học sinh đều phải học, Lịch sử cũng nằm trong nhóm môn học lựa chọn (học sinh nào có mong muốn học thêm) ở cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật). Ở phần nội dung tự chọn này, các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.

Như vậy, Lịch sử từ môn học lựa chọn theo thiết kế ở cấp THPT chương trình giáo dục phổ thông mới, giờ đây trở thành môn học vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn.

PGS.TS Võ Tiến Trung (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng) chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉnh sửa lại Chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa môn Lịch sử về đúng với vị trí, vai trò của nó; xác định Lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta, như vậy đã tiếp tục làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy-học môn Lịch sử, không coi đó là môn học lựa chọn. Theo ông, dạy-học môn Lịch sử chính là trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời được vững vàng và chững chạc hơn. Qua đó tạo ra nguồn cảm hứng, thích thú để học sinh nhớ lâu và càng muốn học môn Lịch sử, từ đó hiểu sâu thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Phương Linh