Ba ngày vận động hiến 30.000m2 đất làm đường

Đặng Thu Hằng
Hiếm có nơi nào như người dân ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình khi chỉ trong 3 ngày vận động mà 100% bà con đồng thuận hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới.

Ông Đoàn Đức Hợp, Chủ tịch UBND xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cho biết, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ về việc vận động nhân dân tự nguyện hiến đất mở đường huyện, đường liên xã, xã An Thái đã họp Đảng ủy, thống nhất ra nghị quyết, mời tất cả các hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng lên tuyên truyền, vận động.

Xã thành lập 2 tổ vận động, phân công cho từng đảng viên phụ trách hộ gia đình, xuống tận các hộ vận động, thuyết phục để người dân đồng thuận. Chỉ trong 3 ngày vận động, tinh thần của nhân dân rất cao, đã đồng thuận 100% hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới.

img-bgt-2021-z3733255709844-6df971a97a27d0af88e17ead53139052-1663592100-width1280height760-1663735691.jpeg
Tuyến ĐH72C qua xã An Thanh, huyện Quỳnh phụ được người dân hiến đất mở rộng. (Ảnh: Giao Thông)

Ông Hợp tự hào chia sẻ, đoạn tuyến ĐH76 (cũ) với chiều dài 1,7km đi qua thôn Hạ thuộc tuyến đường cứu hộ, cứu nạn trong Dự án ĐH72 từ xã An Khê đi xã An Mỹ qua trung tâm xã An Thái nên đất đai có giá trị sinh lời cao. Phạm vi thu hồi có nhiều diện tích đất ở, phải cưa, cắt nhà ở, cổng.

Những tưởng vì điều đó mà người dân sẽ lượng lự, nhưng sau vài ngày tuyên truyền, vận động, 74/74 hộ dân đã đồng thuận hiến đất cho huyện mở rộng tuyến đường này.

Chỉ trong 3 ngày nhân dân thôn Hạ đã hiến xong đất để triển khai thực hiện dự án. Những gia đình tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Đoài; ông Nguyễn Văn Chình, anh Nguyễn Viết Huy và nhiều hộ đã cắt nhà, tháo dỡ công trình, tường bao, cổng dậu để thực hiện dự án.

“Khi nhân dân đã đồng thuận hiến đất, công tác giải phóng mặt bằng rất nhanh, tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công, Nhà nước đã giảm bớt được kinh phí giải phóng mặt bằng để đầu tư cho các hạng mục công trình khác”, ông Hợp nhìn nhận.

Bà Mý với hơn 55 tuổi Đảng, có 45 năm công tác trong ngành giáo dục, nên được bà con địa phương yêu mến, tin tưởng. Khi xã, huyện vận động hiến đất làm đường, gia đình bà là một trong những hộ đầu tiên xung phong ký đơn. Thời điểm đó, vị trí đất của gia đình khoảng 20 triệu đồng/m2, tuy nhiên gia đình bà không ngại ngần hiến tặng 50m2 đất.

“Nhiều người hỏi tôi hiến tặng cả tỷ đồng có tiếc không? Tôi thấy mở mang đường sá thì đất nhà tôi cũng tăng giá, gia đình tôi, bà con chòm xóm có đường tốt mà đi, đến đời con cháu mình vẫn được hưởng, thì tiếc gì?!”, bà Mý tâm sự.

img-bgt-2021-z3733255713621-23bee4b83b41a2abe3b70f898968636a-1663592129-width1280height788-1663735684.jpeg
Nhà thầu đang khẩn trương thi công đường liên thôn xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ. (Ảnh: Giao Thông)

Không chỉ xung phong, bà Mý cùng những hộ đầu tiên ký đơn hiến đất làm đường còn trực tiếp vận động được con cháu và 46 gia đình ở thôn Hạ cùng tình nguyện hiến đất, dịch tường nhà, chặt hạ cây ăn quả… để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Chị Nguyễn Thị Thanh (ở thôn Hạ, xã An Thái) kể, vợ chồng chị dành dụm, tích cóp gần 14 năm và vay thêm cả bên nội, bên ngoại mới có đủ tiền để xây dựng ngồi nhà mới 2 tầng khang trang ngay mặt đường trung tâm xã. Nhà mới khánh thành được 1 năm thì địa phương kêu gọi người dân hiến đất làm đường.

Nếu đồng ý ngôi nhà của chị Thanh phải cắt vào gần 1m suốt chiều ngang căn nhà dài 20m. Với 20m2 đất này, giá thị trường khoảng 400 triệu đồng. Lại thêm hiến đất thì phải cắt vào ngôi nhà mới xây, nên vợ chồng chị Thanh cũng có phần ngần ngại. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã đưa ra mức hỗ trợ, bồi thường hợp lý để sửa chữa lại nhà đảm bảo an toàn nên vợ chồng chị đã đồng thuận.

“400 triệu đồng chứ có ít đâu, tôi cũng tiếc lắm. Nhưng vợ chồng bàn nhau hiến đất mở đường là để phát triển kinh tế cũng như đi lại, giao thương. Chúng tôi muốn sau này các con cháu mình được hưởng lợi ích về lâu về dài”, chị Thanh tâm sự.

Phong trào hiến đất làm đường giao thông ở Quỳnh Phụ không chỉ có xã An Thái, mà còn được lan tỏa đến rất nhiều hộ trên hầu hết các xã trong huyện Quỳnh Phụ.

Một số dự án làm đường có tỉ lệ người dân tham gia hiến đất cao, diện tích đất hiến lớn có thể kể đến như: Dự án tuyến ĐH78 với chiều dài 5,5km qua 3 xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm.

Ông Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết, sau hơn một năm triển khai, đến nay đã có 14 tuyến đường, bao gồm cả đường tỉnh và đường huyện, đường liên xã ở 29 xã, thị trấn với 3.031 hộ đồng thuận, tự nguyện hiến 256.355,9m2 đất. Trong đó, đất ở là 39.950,9m2, đất nông nghiệp là 216.405m2. Tổng giá trị đất hiến ước tính khoảng 308,1 tỷ đồng, trong đó đất ở trị giá 286,5 tỷ đồng.

“Thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì phong trào hiến đất của nhân dân Quỳnh Phụ, nhất quán thực hiện chủ trương địa phương nào có 100% số hộ đồng thuận hiến đất thì ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng đường giao thông”, ông Quyền thông tin.