An toàn giao thông đang có chiều hướng diễn biến phức tạp

Tạp Chí Nhân Đạo
Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tai nạn giao thông (TNGT) đã có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là số vụ TNGT nghiêm trọng trở lên gia tăng...
an-toan-giao-thong-dang-co-chieu-huong-dien-bien-phuc-tap
Số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, hai tháng đầu năm, trên cả nước xảy ra 3.465 vụ TNGT, làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So cùng kỳ năm trước, TNGT tiếp tục giảm về số vụ (giảm 153 vụ), số người chết (giảm 20 người) và người bị thương (giảm 707 người). Tuy nhiên, thực tế, TNGT vẫn diễn biến hết sức phức tạp, TNGT trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2017 tăng cao so cùng kỳ năm trước; xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng cũng như các vụ cháy xe ô-tô vận tải và phương tiện đường thủy; hiện tượng xe quá tải có dấu hiệu tái diễn; vẫn xảy ra ùn tắc tại các thành phố lớn;...

Cũng trong tháng 2/2017, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 287.890 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền 181 tỉ 130 triệu đồng; tạm giữ 2.724 xe ôtô, 46.887 xe môtô và 539 phương tiện khác; tước GPLX 25.779 trường hợp. Trong đó, đường bộ đã kiểm tra, xử lý 277.796 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, phạt tiền 173 tỉ 052 triệu đồng; tước GPLX 25.633 trường hợp; tạm giữ 2.724 xe ôtô, 46.880 xe môtô và 539 phương tiện khác. Đường sắt đã xử lý 335 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường sắt, phạt tiền 131 triệu đồng. Đường thủy đã kiểm tra, xử lý 8.750 trường hợp; phạt tiền 6 tỉ 742 triệu đồng.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), nguyên nhân của TNGT đường bộ đều do lái xe vi phạm quy định trật tự ATGT như vi phạm tốc độ, lấn đường, kỹ năng lái xe kém; các vụ tai nạn thường xảy ra trên các tuyến quốc lộ nơi có đông phương tiện qua lại và trên các tuyến đường đèo dốc, nơi có địa hình hiểm trở, quanh co, tầm nhìn hạn chế và trên đường trong khu đô thị. Phần lớn nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn có liên quan đến xe máy, nạn nhân đều rất trẻ và đa phần ở các vùng nông thôn. Đối với đường sắt, tai nạn xảy ra là do người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định ATGT khi vượt qua đường sắt tại các lối đi dân sinh. Trong khi đó, đối với đường thủy nội địa, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn là do việc sử dụng phương tiện gia dụng không bảo đảm chất lượng, không có dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định...

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình hình trật tự, ATGT đang có chiều hướng diễn biến phức tạp là việc thiếu đi quy định để quy trách nhiệm với các đơn vị có liên quan. Cụ thể, ông Hùng cho biết, mặc dù Đảng, Chính phủ đã ban hành rất nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các đơn vị vẫn chưa ban hành được các quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT. Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Nơi nào lãnh đạo làm mạnh, quyết liệt thì chuyển biến; những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý Nhà nước, cũng như tuần tra, kiểm soát vi phạm trật tự, ATGT.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nhìn nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng TNGT diễn biến phức tạp là người đứng đầu địa phương chưa nêu cao trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, coi đảm bảo trật tự, ATGT là vấn đề trọng yếu, được quan tâm thường xuyên đối với các cấp chính quyền và nhân dân mỗi địa phương. Các thành viên Ủy ban, Ban ATGT các địa phương phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, hạn chế, bất cập; đề xuất các giải pháp thiết thực cả trước mắt và lâu dài để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới. Đồng thời, xây dựng và tuyên truyền văn hóa giao thông, tinh thần thượng tôn pháp luật của mỗi người dân khi tham gia giao thông, qua đó từng bước kéo giảm TNGT... Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành “luật hóa” quy định trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để TNGT tăng cao trên địa bàn…