70 năm Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp nhân đạo của toàn dân

Tạp Chí Nhân Đạo
Làm Chủ tịch danh dự từ năm 1946 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chủ tịch danh dự đã chăm lo cho sự phát triển của Hội.

Chúng ta ngược dòng lịch sử trở về năm 1931 của thế kỷ trước, lúc đó Nguyễn Ái Quốc bị thực dân Anh bắt giữ trái phép tại Hồng Kông. Tòa án của nước Anh tại đây đem Người ra xét xử. Nhờ có sự giúp đỡ của luật sư Lô Dơ Bai và Hội CTĐ quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã được tuyên bố trắng án.

2 mau
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội CTĐ Việt Nam.

Ngay từ những ngày Cách mạng còn trứng nước, Người đã giải thích: “Quốc tế cứu tế đỏ là gì. Rồi quốc tế giúp cách mạng thế nào?”. Phần cuối người viết: Cách mạng An Nam nên theo quốc tế này không? Người tự trả lời: “Nên lắm, cách mạng An Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả. Đã là đồng chí thì sung sướng cực khổ phải có nhau. Huống gì dân An Nam là đương lúc tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa Pháp, chắc là về sau sẽ có nhiều người cách mạng phải hy sinh, phải khốn khó, phải cần anh em trong thế giới giúp giùm”.

Tư tưởng nhân đạo của CTĐ quốc tế, đã thúc đẩy Người thành lập Hội CTĐ Việt Nam và gia nhập Hiệp Hội CTĐ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Như vậy, Người thấy rất rõ con đường Cách mạng Việt Nam phải đi có rất nhiều “chông gai” gian khổ và đổ máu. CTĐ ra đời sẽ giúp đỡ thương binh, nạn nhân chiến tranh của cả hai bên, ngăn chặn những thảm sát tù binh, trao trả  họ, đưa họ trở về nước. Có thể nói trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Hội CTĐ Việt Nam đã làm tốt vai  trò cứu trợ nhân đạo cho cả hai phía, củng cố thêm tình tương thân, tương ái giữa con người với con người.

Vị Chủ tịch đầu tiên của Hội CTĐ Việt Nam là bác sĩ Vũ Đình Tụng, sinh ngày 25/6/1895 - Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội nhận làm Hội trưởng (chức danh khi đó) đến khi mất 14/6/1973. Nghị định số 77-NV do Bộ trưởng Nội vụ Tôn Đức Thắng ký cho phép Hội Hồng Thập Tự thành lập và hoạt động ngày vào 31/5/1947. Và điều lệ của Hội được thông qua ngày 23/11/1946 – là một thắng lợi to lớn của lòng nhân ái.

Làm Chủ tịch danh dự từ năm 1946 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chủ tịch danh dự đã chăm lo cho sự phát triển của Hội.

Hội CTĐ Việt Nam đã phát triển ở khắp nơi, từ thôn xóm, đến xã phường, thị trấn, Thị xã, Thành phố, Quận huyện, thành phố. Đại hội CTĐ Việt Nam lần thứ III năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi thân ái chúc các đại biểu mạnh khỏe và làm việc hăng hái, chúc Đại hội thành công tốt đẹp để góp phần  xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Năm 1975, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Năm 1976, Hội CTĐ hai miền đã thống nhất lấy tên là Hội CTĐ Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được bầu làm Chủ tịch. Hội CTĐ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hàn gắn chiến tranh, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội CTĐ Việt Nam phát triển nhiều hình thức, với nhiều mô hình hoạt động phong phú ra đời. Như chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, nuôi lợn đất, xây nhà tình thương CTĐ, ngân hàng  bò, Hiến máu nhân đạo, Tết cho người nghèo, Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam,  trạm chốt cấp cứu trên các tuyến quốc lộ. Với hàng triệu hội viên ở trên khắp đất nước, mỗi người làm một việc tốt, và khẩu hiệu “Người người làm việc thiện, Nhà nhà làm việc thiện, Ngành ngành làm việc thiện” do Chủ tịch Nước Võ Chí Công phát động trên chương trình truyền hình nhân đạo 5/1992 đã đi vào cuộc sống. Hội CTĐ Việt Nam đã trở thành nòng cốt cho “Ngành ngành làm việc thiện”.

Đặc biệt năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật Hoạt động CTĐ, thể chế hóa các hoạt động nhân đạo của Hội, giúp phong trào CTĐ đi vào chiều sâu và có đóng góp to lớn cho sự nghiệp nhân đạo của toàn dân.

Không chỉ “lá lành đùm lá rách” cho người Việt Nam, Hội CTĐ Việt Nam còn chung tay giúp đỡ nhân dân các nước thông qua các Hội CTĐ Mỹ, Nhật Bản, Liên Xô, Trung Quốc, Chi Lê...  khi bị sóng thần, động đất, thiên tai...

70 năm qua, Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Đoàn TNCSHCM góp phần giải quyết những vấn đề xã hội nhân đạo, tạo nên sức mạnh.

70 năm đã trôi qua, tiếp nối sự nghiệp nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chủ tịch danh dự của Hội CTĐ Việt Nam, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Chủ tịch danh dự của Hội đã chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Lớp lớp các nhà khoa học, các giáo sư, các vị lãnh đạo ở cấp bộ trưởng, thứ trưởng như: Vũ Đình Tụng, Nguyễn Văn Thủ, Tôn Thất Tùng, Phùng Văn Cung, Nguyễn Thị Thịnh, Nguyễn Thiên Thành, Trần Hữu Tước, Đinh Thị Cẩn, Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Đình Hường, Nguyễn Thị Hội, Lê Công Tâm, Đoàn Xuân Mượu, Nguyễn Văn Thưởng, Nguyễn Hải Đường đã đóng góp cho sự nghiệp nhân đạo, và biết bao anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp nhân đạo của nhân dân ta, làm rạng danh những trang sử 70 năm của Hội CTĐ Việt Nam.

Hội CTĐ Việt Nam từ ngày đầu tiên thành lập chỉ có gần 1.000 hội viên, đến nay Hội CTĐ Việt Nam đã có trên 8 triệu hội viên như: thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ, hoạt động ở mọi miền của Tổ Quốc, tham gia tích cực vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình nhân đạo. Tạo ra thế trận lòng dân đẩy lùi đói nghèo, góp phần xây dựng một môi trường Nhân đạo tốt đẹp, xứng đáng với những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước.