62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021): Nỗi đau còn dai dẳng

Đặng Thu Hằng
62 năm kể từ ngày quân đội Mỹ phun rải hàng triệu lít chất độc hóa học cực độc xuống nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam, cho đến nay, sự hủy diệt tàn khốc của những chất độc ấy vẫn còn hiển hiện, âm thầm phá hoại môi trường sống và cướp đi tính mạng của nhiều thế hệ nạn nhân da cam.

Cuộc chiến thảm khốc

Ngày 10/8/1961, phi vụ đầu tiên thử nghiệm chất Dinoxol do không quân Sài Gòn tiến hành tại khu vực phía Bắc tỉnh Kon Tum bằng máy bay trực thăng H34 có gắn thiết bị phun - HIDAL (Helicopter Insecticide Dispersal Apparatus Liquid). Trong “ngày thứ năm đen tối” đó, Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang” xuống miền Nam nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu nhất trong lịch sử loài người.

Trong suốt hơn 10 năm (từ năm 1961-1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 3,06 triệu ha đất của của miền Nam Việt Nam (gần bằng 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác, phía Đông Bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, Cà Mau bị phá hủy nặng nề.

k3-1693194634.jpg
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin xuống miền Nam Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật và động vật bị tiêu diệt. Do rừng bị tàn phá nặng nề nên chức năng bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 lưu vực sông cũng bị phá vỡ, gây nhiều thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế.

Một số kho, bãi tại các sân bay quân sự cũ của quân đội Mỹ và đồng minh trước kia hiện vẫn là các "điểm nóng" ô nhiễm chất độc hóa học với hàm lượng dioxin vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần như các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát… Năm 2011, nồng độ dioxin trong khu ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa cao nhất là 963.000 tpp-TEQ. Nồng độ trong máu của một người dân kinh doanh và thu hoạch hải sản bị nhiễm dioxin tại đây là 2.020 tpp-TEQ (trong khi nồng độ cho phép ở một số nước công nghiệp phát triển là từ 0,4 - 0,7 tpp-TEQ). Ngoài ra, những nơi máy bay chở chất diệt cỏ bị tai nạn, nơi tập trung để rửa máy bay sau mỗi chuyến đi phun rải cũng là những khu vực có mức độ ô nhiễm cao.

Nỗi đau tới thế hệ thứ 4

Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn để lại hệ lụy đau lòng đến sức khỏe con người Việt Nam. Tại Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về Chất độc hóa học diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên, con người được tổ chức tại Hà Nội năm 1993, nhiều nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã khẳng định: “Chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ, hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề, gây nên nhiều biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật, gây các bệnh ung thư".

Tháng 7/2009, Báo cáo của Viện Y học Mỹ đã chứng minh sự liên hệ giữa việc bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin với 5 loại bệnh: Ung thư mô mềm, u lympho lành tính, bạch cầu u lympho mãn tính (bao gồm cả bệnh bạch cầu mô lông), ung thư và chứng ban clor. Báo cáo nêu lên nhiều bằng chứng về mối liên quan với ung thư thanh quản, ung thư đường hô hấp và tiền liệt tuyến, đa u tủy, chứng thoái hóa dạng tinh bột AL, bệnh thần kinh ngoại biên, rối loạn chuyển hóa porphyrin, bệnh Parkinson, tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, tiểu đường type 2, tật nứt đốt sống...

Bộ Y tế đã xác định 17 loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Sau chiến tranh, chất độc da cam/dioxin tiếp tục gây tử vong, các bệnh lý nghiêm trọng, dị tật bẩm sinh như khuyết tật về thể chất và tinh thần, thừa hoặc thiếu các bộ phận cơ thể, tổn thương thần kinh không thể phục hồi. Nhiều gia đình có ít nhất một thành viên khuyết tật. Lực lượng lao động bị ảnh hưởng khi người lớn khỏe mạnh trong các gia đình phải dành một phần thời gian để chăm sóc những người thân bị tàn tật. Thu nhập hộ gia đình thấp trong khi chi phí chăm sóc y tế cao khiến đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vô cùng khó khăn và thiếu thốn.

k4-1693194634.jpg
Ảnh hưởng của chất độc da cam vẫn còn hiện hữu trong nhiều gia đình. Ảnh: VAVA

Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học.

Qua điều tra, khảo sát của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện toàn quốc có khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chia sẻ: Chất độc da cam đã tác động đến thế hệ thứ 2, 3 và đang di nhiễm sang thế hệ thứ 4 của người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Đây là tác động hết sức nghiêm trọng đến sức khỏe con người, để lại cho dân tộc ta, nhất là những nạn nhân da cam nhiều đau thương, mất mát và vất vả.

Hiện nay, rất nhiều gia đình có từ 3 nạn nhân trở lên, thậm chí có 7-8 người trong cùng gia đình đều là nạn nhân của loại chất độc này. Chất độc da cam khiến cho nhiều nạn nhân không còn duy trì được nòi giống. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết. Cả triệu người khác đang vật lộn hàng ngày với những căn bệnh quái ác.

Theo các nhà khoa học, chất độc da cam có thể có tác động lâu dài lên tới hàng trăm năm; ảnh hưởng đến hàng chục triệu người và số lượng thế hệ bị di chứng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 4. Thảm họa da cam chính là thảm họa hóa học thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại.

62 năm quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam, song hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và con người vẫn chưa đi vào dĩ vãng. Thấm nhuần đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, ngày 10/8 - Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được xem như là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa, để toàn thể nhân dân Việt Nam cùng chung tay xoa dịu nỗi đau với những số phận bất hạnh, những số phận đã và đang phải chịu dày vò vì chất độc da cam do chiến tranh để lại.

Trần Thu Hương