6 tháng đầu năm 2022 thu ngân sách toàn ngành thuế ước đạt 775.262 tỷ đồng

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Chiều 30/6, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2022. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu tại các cục thuế và 413 điểm cầu tại các Chi cục Thuế. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tổng cục Thuế có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cùng đại diện các Vụ, đơn vị trong và ngoài ngành thuế.

dsc-3508-1656643929.jpg

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HUY HÙNG

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 của ngành thuế được giao là 1.174.900 tỷ đồng. Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số thu thuế, phí nội địa đạt 578.404 tỷ đồng, bằng 63,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu loại trừ các yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thì số thu thuế, phí nội địa tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2021.

Có 16/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 55%), trong đó có một số khu vực, khoản thu lớn như: DNNN đạt 56,8%, DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 56,4%, khu vực ngoài quốc doanh đạt 67,7%, thuế TNCN đạt 77,4%, thu lệ phí trước bạ đạt 68,5%.

60/63 địa phương có số thu đạt trên 50% dự toán, trong đó, đáng chú ý một số địa phương thu 6 tháng đạt cao như: Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh.

Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tiếp tục được đẩy mạnh qua hình thức điện tử nhằm đáp ứng xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của người nộp thuế. Tập trung tuyên truyền phổ biến các chính sách thuế mới, hóa đơn điện tử và các nghị quyết, nghị định của Quốc hội, Chính phủ; thông tư của Bộ Tài chính về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường công tác đôn đốc nộp tờ khai, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của NNT, phát hiện ngay các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, không kịp thời số thuế phải nộp để có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Nhờ đó công tác quản lý, giám sát kê khai thuế ngày càng chặt chẽ và tạo được những chuyển biến tích cực. Trong các tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 4 triệu tờ khai, trong đó tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn đạt 98%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cũng cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ thuế năm 2022 theo chương trình, kế hoạch đã đặt ra, trong 6 tháng cuối năm 2022, ngành thuế tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp quản lý thuế, chống thất thu, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế nhằm phấn đầu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách mà Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Bên cạnh đó, ngành thuế tiếp tục tập trung thực hiện tốt các gói miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, trọng tâm của quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tập trung bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2022 để tổ chức triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022. Triển khai thực hiện xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2023 và dự kiến thu giai đoạn 3 năm 2023-2025; Triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp phù hợp để tiếp tục hỗ trợ DN và người dân; Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022; Tiếp tục rà soát thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế theo yêu cầu tại Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử (HĐĐT) và các công cụ khai thác, phân tích, quản lý, sử dụng dữ liệu từ HĐĐT phục vụ công tác quản lý thuế; ứng dụng công nghệ AI phân tích, đối soát dữ liệu HĐĐT, quản lý, phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh thời gian tới ngành thuế phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói chính sách, giải pháp hỗ trợ NNT đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề cho tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) bền vững. Thứ trưởng Vũ Thị Mai lưu ý, ngành thuế tập trung thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT theo chuyên đề từ cấp tổng cục đến chi cục đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, các giao dịch đáng ngờ...

PL