Xứng đáng với vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo

Tạp Chí Nhân Đạo
Chặng đường 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ cả nước luôn chung sức, chung lòng, khắc phục khó khăn, thi đua triển khai mọi mặt công tác Hội

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được thành lập ngày 23/ 11/1946 tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hồng thập tự Việt Nam, tổ chức tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập đồng thời làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội trong suốt 23 năm. Đây là vinh dự và là nguồn động viên rất lớn để các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ (CTĐ) luôn luôn nỗ lực, cố gắng trong mọi lĩnh vực hoạt động nhân đạo và đạt được thành tựu như ngày hôm nay.

anh chu tich Xuan Thu di trao bo
Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu trao bò giống cho các hộ dân tại xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

“Thương hiệu” Chữ thập đỏ

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy, các thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ cả nước luôn chung sức, chung lòng, khắc phục khó khăn, thi đua triển khai mọi mặt công tác Hội và phong trào CTĐ, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giáo dục lòng nhân ái và tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong đó, nổi bật là Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam". Phong trào được triển khai sâu rộng, trở thành hoạt động truyền thống của Hội, lôi cuốn sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, được các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, hằng năm vận động và trao tặng từ 1,5-1,7 triệu suất quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao “Chứng nhận kỷ lục Việt Nam về số lượng quà Tết trao tặng cho người nghèo nhiều nhất”.

Có thể điểm ra thêm nhiều hoạt động nhân đạo đã khẳng định được “thương hiệu” của Hội CTĐ Việt Nam trong cộng đồng, như Dự án “Ngân hàng bò” và Chương trình “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”. Chương trình này là hoạt động nhân đạo nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về việc giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trong cả nước được triển khai có hiệu quả, là Chương trình vận động nội lực lớn nhất của Hội từ trước tới nay. Kết quả, đến nay, các cấp hội đã trao tặng được gần 20.000 con bò cho gần 20.000 hộ hưởng lợi với tổng giá trị tương ứng trên 108 tỷ đồng. Dự án được Đảng, Nhà nước và xã hội đánh giá cao, được nhận Giải thưởng của Mạng lưới xây dựng quỹ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội CTĐ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Thư khen của Chủ tịch nước.

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” cũng là ”thương hiệu” của Hội Chữ thập đỏ,  là phong trào chiến lược của Hội tại cơ sở. Các cấp Hội đã khảo sát, lập ra hơn 450.000 hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”; trợ giúp và vận động trợ giúp hơn 332.000 hồ sơ với tổng trị giá đạt khoảng 1.100 tỷ đồng. Cuộc vận động góp phần chuyển hướng tư duy, nhận thức của cán bộ Hội về cách thức tổ chức hoạt động nhân đạo tại cộng đồng, về tính cộng đồng trách nhiệm trên cơ sở quan hệ đối tác, từng bước khẳng định đầy đủ hơn vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội trong hoạt động nhân đạo, góp phần giảm bớt chồng chéo, trùng lặp, thiếu công bằng trong hoạt động nhân đạo.

Các cấp Hội cũng phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ phẫu thuật mắt, tim bẩm sinh, chỉnh hình, phục hồi chức năng... cho hàng triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng” góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Trong các hoạt động nhân đạo, không thể không đề cập đến hoạt động mang dấu ấn đậm nét và thành truyền thống của Hội CTĐ Việt Nam là vận động hiến máu tình nguyện. Thống kê cho thấy, số lượng máu tiếp nhận và tỷ lệ hiến máu tình nguyện tăng đều hàng năm, khắc phục cơ bản tình trạng khan hiếm máu phục vụ cấp cứu và điều trị thông qua các chương trình “Lễ hội Xuân hồng”, Chiến dịch hiến máu nhân dịp Tết, hè, chương trình “Hành trình đỏ”… Hàng năm Hội tổ chức Lễ Tôn vinh 100 gương sáng toàn quốc về hiến máu nhân đạo và vận động hiến máu nhân đạo, đã động viên và khích lệ sự tham gia của cộng đồng rất lớn. Thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại” đã có tác động tuyên truyền rất lớn, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh thiếu niên.

Hoạt động của CTĐ tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa ngày càng chuyên nghiệp, nhanh, nhạy, kịp thời, hiệu quả, mang tính “màu cờ sắc áo” CTĐ rất rõ, được Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai của Chính phủ đánh giá rất cao. Một số mô hình hay như thành lập đội ứng phó khẩn cấp, cấp quốc gia và cấp tỉnh để ứng phó khẩn cấp khi xảy ra thiên tai; mô hình xây dựng cộng đồng an toàn có tác dụng rất lớn, đang được nhân rộng ở các tỉnh, thành phố. Hầu hết các tỉnh, thành Hội đều có dự trữ về tiền và hàng cứu trợ ở mức khác nhau, sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra. Nhiều trang thiết bị phục vụ phòng ngừa, ứng phó thảm họa tiếp tục được trang bị, như: hệ thống cảnh báo sớm, nhà cộng đồng chống bão lũ, đường tránh nạn, cầu treo, kè, áo phao, thùng hàng gia đình; trồng rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn tại 10 tỉnh, thành phố, góp phần bảo vệ gần 100km đê biển và cộng đồng cư dân ven biển, tạo việc làm và sinh kế cho hàng chục ngàn người.

Cống hiến, hy sinh hết mình

 Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta tự hào về sự phát triển lớn mạnh của Hội CTĐ Việt Nam. Từ thời điểm mới thành lập Hội (11/1946), Ban Trị sự (nay là Ban Chấp hành) chỉ có 12 người, với gần 1.000 hội viên, đến nay, Hội CTĐ Việt Nam đã hoàn thiện được tổ chức ở 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở; 100% xã, phường, 86% trường học và 54,5% cơ quan, doanh nghiệp, nông, lâm trường có tổ chức Hội. Thống kê cho thấy, toàn quốc có trên 8 triệu cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ.

Cùng với đó, Hệ thống cơ sở vật chất của Hội cũng không ngừng được tăng cường. Các cấp Hội quản lý và sử dụng 44 Trung tâm phòng ngừa ứng phó thảm họa, 26 Trạm ứng phó khẩn cấp, các hệ thống cảnh báo sớm, các công trình giảm nhẹ thiên tai, 4 kho hàng cứu trợ tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng; hàng ngàn trạm, chốt sơ cấp cứu dọc các trục đường giao thông nơi hay xảy ra tai nạn giao thông; toàn Hội hiện duy trì hoạt động 1.189 cơ sở khám, chữa bệnh CTĐ, 260 đội khám, chữa bệnh CTĐ lưu động; … Hội CTĐ Việt Nam không chỉ là tổ chức tiếp nhận viện trợ mà còn là tổ chức tài trợ, tích cực vận động, ủng hộ nhân dân các quốc gia khác khi họ bị ảnh hưởng bởi thảm họa, thiên tai. Hội CTĐ Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của Hội quốc gia vững mạnh, có uy tín trong khu vực và quốc tế.

 Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Hội CTĐ Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự hỗ trợ, phối hợp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành, đoàn thể; sự đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, sự hưởng ứng, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Và đặc biệt là sự cống hiến tận tụy của lớp lớp cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ theo 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào CTĐ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế suốt 70 năm qua.

 Lịch sử phát triển của Hội CTĐ Việt Nam từ ngày thành lập đến nay là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân ái, nhân đạo, nhân văn cao cả của dân tộc. Suốt 70 năm xây dựng và phát triển, chúng ta đã hun đúc nên những truyền thống vẻ vang: truyền thống cống hiến, hy sinh hết mình vì những người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội; truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái và nhân đạo cao cả; truyền thống sáng tạo, có ý chí vượt khó, dám nghĩ, dám làm, xây dựng nhiều mô hình tốt.

70 năm một chặng đường lịch sử, cùng với nhiều thành công và cũng không ít khó khăn, thử thách, sự hy sinh của các liệt sỹ là cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc, trong cứu hộ đồng bào trong lũ lụt, thảm họa, thiên tai là rất đáng trân trọng.

“Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi”

Bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước, chúng ta tự hào về những thành tựu to lớn của sự nghiệp xây dựng, sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đời sống nhân dân ổn định và nâng cao. Song, do hậu quả chiến tranh còn nặng nề, tình hình thiên tai, thảm họa diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu toàn cầu, sự bùng phát của các loại bệnh dịch, quá trình đô thị hóa và sự phân hóa giàu nghèo,… làm cho số người cần được trợ giúp có xu hướng gia tăng. Thực tế đó đặt ra yêu cầu, mọi hoạt động nhân đạo của Hội CTĐ Việt Nam phải được tăng cường cả về chất lượng và khối lượng. Với tinh thần "Chung sức vì nhân đạo", “Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi”, Hội CTĐ Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu để xứng đáng giữ vai trò nòng cốt, vai trò cầu nối, vai trò điều phối trong các hoạt động nhân đạo, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực cho Phong trào CTĐ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Kế thừa và phát huy những thành tựu của Hội đạt được trong 70 năm qua, trong thời gian tới, toàn Hội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội khoá XIV, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; triển khai thực hiện tốt Luật Hoạt động CTĐ; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cả nước trong hoạt động nhân đạo, phát triển mối quan hệ hợp tác với Phong trào CTĐ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các Hội quốc gia, các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế để tạo được nguồn lực to lớn, phấn đấu đạt giá trị trên 3.000 tỷ đồng/năm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này để triển khai các hoạt động nhân đạo; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tích cực tham gia các hoạt động trong Phong trào CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, nhất là đối với các nước trong khu vực, góp phần thực hiện đường lối ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước, nâng cao vai trò và uy tín của Hội CTĐ Việt Nam trên cơ sở 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu; thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.