WHO cảnh báo có 3 triệu người chết mỗi năm liên quan đến rượu

Nguyễn Diệp Linh
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 3 triệu người trên toàn thế giới tử vong liên quan đến rượu.

Rượu là tác nhân chính gây ra hơn 200 vấn đề về thể chất lẫn tinh thần như rối loạn tâm thần, hành vi, xơ gan, tim mạch và ung thư, WHO khuyến cáo.

Hiện nay, ước tính có khoảng 1,38% dân số toàn cầu bị rối loạn do sử dụng rượu. Các quốc gia có mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người cao nhất thế giới gồm Cộng hòa Czech, Latvia và Moldova.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Network Open (Mỹ) hôm 1/11, 1/5 trường hợp tử vong trong độ tuổi 20-49 tại Mỹ là do sử dụng rượu quá mức. Năm 2020, tỉ lệ tử vong do rượu là khoảng 13/100.000 dân, tăng so với 10,4/100.000 dân vào năm 2019.

Rượu là tác nhân chính gây ra rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, xơ gan, tim mạch và ung thư... Ảnh: USDTLRượu là tác nhân chính gây ra rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, xơ gan, tim mạch và ung thư... Ảnh: USDTL

Tại Hàn Quốc, kết quả khảo sát do Học viện Tâm thần Hàn Quốc (KAAP) công bố hôm 3-11 cho thấy số người chết do nghiện rượu ở nước này tăng cao trong đại dịch COVID-19. Sử dụng rượu quá mức là nguyên nhân gây ra 156 ca tử vong vào năm 2019. Con số này tăng lên 204 ca vào năm 2020 và 215 ca vào năm 2021.

GS Lee Hae-kook, làm việc tại Trường ĐH Công giáo Hàn Quốc và là Chủ tịch KAAP, nói: "Hàn Quốc chỉ có 8 bệnh viện chuyên điều trị chứng nghiện rượu, ngân sách hằng năm của chính phủ khoảng 1,4 tỉ won (tương đương 979.000 USD), giữ nguyên từ năm 2010. Trong khi đó, số cơ sở điều trị nghiện rượu tại địa phương là khoảng 50 trung tâm, trung bình 4 nhân viên/trung tâm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn".

Chiến lược toàn cầu nhằm giảm thiểu việc sử dụng rượu có hại đã được các quốc gia thành viên của WHO nhất trí vào năm 2010, thể hiện sự đồng thuận quốc tế trong việc giảm thiểu việc sử dụng rượu có hại và ưu tiên sức khỏe cộng đồng trong 10 lĩnh vực mục tiêu.

Tại Việt Nam, ThS Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: 44,2% nam giới, 2015; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%).

"Số ca tử vong do rượu bia khi tổng kết lại với con số khá lớn. Sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Theo thống kê gần đây nhất, mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hoá, nhiễm trùng và do một số bệnh khác, trong đó ước lượng có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỷ lệ 7,5%)"- TS Trần Quốc Bảo nói.

Cũng theo TS Trần Quốc Bảo, rượu/bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.

Vũ Hạnh (T/h)