Tư vấn tuyển sinh giúp sinh viên tránh thất nghiệp?

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước đang gấp rút bước vào mùa Tuyển sinh năm 2018 mà một trong những công tác quan trọng nhất là khâu tư vấn.

Ngoài các đường dây online, các phòng ban chịu trách nhiệm cụ thể được phân công đã mở từ sớm thì nhiều Trường còn tổ chức Ngày hội tư vấn Tuyển sinh ở khắp các trường Trung học phổ thông lớn thuộc các tỉnh thành.

Ví dụ như Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã thành lập các Nhóm Đại sứ sinh viên bao gồm các em sinh viên năm nhất, hai, ba xuất thân từ các tỉnh có đông thí sinh đăng kí tham dự vào các khối ngành của trường: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Phòng, … thực hiện công tác tư vấn ngay tại địa phương.

Có thể nói đây là một cách làm hay và hiệu quả, giúp cho thông tin sát thực và tạo ra không khí gần gũi cho các buổi tư vấn.

Nhiều năm nay, Trường Đại học FPT cũng đã tổ chức các hoạt động tư vấn, giao lưu với học sinh các trường THPT đặc biệt là tại các trường có tỉ lệ sinh viên khối ngành tự nhiên cao nhằm thu hút các sinh viên yêu thích công nghệ thông tin.

Thậm chí, FPT sẵn sàng trao Học bổng toàn phần cho các sinh viên có thành tích nổi bật (đạt giải HSG trong kì thi Quốc gia, Giải toán trên máy tính, …) nhằm chiêu dụ nhân tài.

Trên tầm vĩ mô, những năm trở lại đây, các ngày hội tư vấn tuyển sinh ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng thu hút đông đảo các trường Đại học và các em học sinh tham gia. Đơn cử, Ngày hội năm 2017 được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa HCM có hơn 150 trường Đại học và Cao đẳng tham dự.

Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp cũng như khó khăn về nhân sự nên hoạt động Tư vấn tuyển sinh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và đảm bảo được về chất lượng. Nhiều em sinh viên khi đăng kí thi, nộp hồ sơ vẫn ở trong tình trạng không biết mình học cái gì và ra trường sẽ làm gì, hoặc chỉ đăng kí cho có. Nhiều trường bị lâm vào cảnh số lượng hồ sơ đăng kí không đủ chỉ tiêu, …

Nếu những hoạt động tư vấn được tổ chức một cách bài bản hơn, có hệ thống và liên kết chặt chẽ giữa các trường Đại học và THPT thì sẽ góp phần giúp cải thiện tình trạng trên. Đồng thời nguy cơ thất nghiệp, hoặc làm việc trái ngành, trái nghề như hiện nay cũng được giảm thiểu.

Nghĩa là nếu ngay từ khi bước chân vào cấp học THPT các em được tiếp cận thông tin đầy đủ, được hiểu về những ngành học mà mình dự định chọn thì các em sẽ biết mình cần chuẩn bị những gì, cũng như không rơi vào tình thế bị động trong việc học để định hướng công việc.

Mùa Tuyển sinh 2018 chuẩn bị bước vào những giai đoạn quan trọng. Những tồn tại vẫn còn đó với các con số đáng suy ngẫm.

63% sinh viên ra trường thất nghiệp. 50 % lao động ở tất cả các cấp bậc, bằng cấp không yên tâm, thỏa mãn với những việc mình đang làm, đều muốn “nhấp nhổm”, chỉ có 20 – 30% sinh viên tham gia các hoạt động xã hội gồm công tác Đoàn, công tác thanh niên và sinh viên, … (theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục).

Công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng nước ta cần phải có sự thay đổi, mà đổi mới trong khâu tư vấn mang ý nghĩa quyết định. Nên chăng cần phát huy vai trò của các thầy cô giáo đang thực hiện công tác giảng dạy ở THPT hoặc mỗi trường nên lập ra một tổ tư vấn chuyên nghiệp để cùng định hướng với các em học sinh?

Chi Chi