Truyền thống chạp Họ quê tôi

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Truyền thống chạp Họ hay còn gọi chạp mã, tảo mộ ở quê tôi đã có bao đời, hàng năm cứ đến tháng Chạp, các dòng Họ, tộc Họ tiến hành chạp Họ nhằm thể hiện lòng thành, ghi nhớ công lao của tổ tiên, nguồn cội.

Hằng năm, cứ đến đầu tháng chạp (tháng 12 Âm lịch) vùng quê xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) – nơi tôi sinh ra lại rộn ràng, náo nức hơn thường ngày. Con đường quê yên tĩnh ngày nào vào ngày chạp Họ lại rộn vang tiếng í ới con, cháu đi tảo mộ.

FB_IMG_1610548248926
Trưởng Họ làm lễ tại nhà thờ Họ trước khi con cháu dâng hương.

Tuy là điạ phương nhỏ nhưng ngày chạp Họ ở mỗi vùng tỉnh Quảng Bình lại có một nét riêng. Ví như ở huyện Bố Trạch người ta gọi là “xủi mả”. Ở đây các dòng Họ thường tổ chức chạp một ngày ở Họ đằng ngoại, một ngày khác ở Họ đằng nội. Do vậy, ngày chạp ở đây cũng gói gọn và đơn giản hơn.

Cách đó không xa huyện Quảng Trạch quê tôi ngày chạp lại nhiều hơn, từ Họ lớn, Họ nhỏ, họ nhánh đều có mỗi ngày chạp Họ riêng. Ví như gia đình tôi trong tháng này có đến 5 ngày chạp Họ, chạp Tổ, chạp Họ nậy (họ lớn) bên nội, chạp Họ con (họ nhỏ) bên nội, bên ngoại cũng có 2 ngày chạp tương tự như thế.

Tháng chạp cũng là thời điểm quê tôi xuống giống vụ lúa Đông Xuân, dù bận rộn việc đồng áng nhưng đến ngày chạp Họ con, cháu ai nấy đều tự giác sắp xếp thời gian tham gia. Vào những ngày này không khí đường quê khác hẳn người thường, rộn rang tiếng í ới con cháu đi việc Họ.

Thông thường tùy chạp Họ nào? Phần mộ nằm ở đâu? Thì con cháu trong Họ lại tập trung ra khu mộ dọn dẹp, sơn sửa lại sau một năm dài. Sau đó anh em trong Họ tập trung lại nhà trưởng họ làm lễ, thắp hương lên tổ tiên và quây quần bên nhau thưởng thức đặc sản địa phương mà các nhánh Họ mang đến.

FB_IMG_1610548251643
Ngày chạp Họ cũng là dịp để con cháu thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" với ông bà, tổ tiên, đây cũng là dịp để các thành viên trong Họ gặp gỡ, gắn kết hơn.

Như truyền thống, ngày mồng 1 tháng chạp năm nay, tôi lại cùng các chú, các bác, anh em tập trung tại Đền Song Trung (thuộc Họ Hoàng, nằm tại địa bàn xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch). Sau khi chỉnh trang lại phần mộ, những người có vai vế trong Họ sẽ tiến hành dâng hương, tế lễ.

Đến giờ cử hành lễ, khi tiếng chiêng, tiếng trống vang lên những người có vai vế trong Họ sẽ mặc lễ phục truyền thống đứng phía trên trình bày quá trình lịch sử hình thành của dòng Họ cho con cháu nghe và ghi nhớ. Con cháu phía sau đứng trang nghiêm lắng nghe lời căn dặn của các bậc tiền bối, rồi lần lượt dâng hương lên bàn thờ Họ. Sau cùng, khi hương tàn, các phần lễ trên bàn thờ sẽ được dọn xuống, con cháu quây quần cùng thưởng thức và chia sẻ về những chuyện vui buồn trong năm qua.

Lễ ở quê tôi chủ yếu là sản vật có tại địa phương, do bà con trong Họ làm được. Thông thường sẽ có thịt lợn, thịt gà, xôi, bánh... Trước khi đi chạp Họ, các nhánh đã chuẩn bị lễ một cách kĩ lưỡng đến giờ sẽ mang lên nhà thờ để dâng lên bề trên.

Gọi là ngày chạp Họ nhưng thời gian chỉ diễn ra trong khoảng 1 buổi từ sáng đến trưa. Thời gian tuy không dài nhưng đủ để diễn ra các sắc thái từ nghiêm túc, trang nghiêm, đến tâm tư, tình cảm.

Đến nay, truyền thống chạp Họ hay giỗ Họ được bảo tồn và phát huy đã trở thành một nét đẹp của người dân nhiều vùng quê Việt Nam, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Nhờ có những lần chạp Họ mà anh em mới có dịp gặp nhau, quan hệ họ hàng, dòng tộc ngày thêm gắn bó.

FB_IMG_1611018117563
Di tích cấp tỉnh Đền Song Trung.

Chạp Họ cũng là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, trong đó  góp phần xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, góp phần nâng cao dân trí, đóng góp nhân tài cho đất nước.

Cũng từ chính những truyền thống ngày chạp Họ, mà từ nhỏ đến nay tôi đã được những bậc đi trước truyền dạy về những đạo lý tốt đẹp của dòng tộc, của quê hương đất nước. Tôi lấy đó làm hàng trang cho chính bản thân bước vào đời khi trưởng thành.

Đền Song Trung hay còn gọi là "Song Trung Miếu Bia" thuộc thôn Trung Tiến, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch. Đền được xây dựng vào khoảng năm 1650 để tưởng nhớ đến công lao của hai vị thượng tướng quân Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ trong cuộc đấu tranh chống cát cứ, chống ngoại xâm dưới thời nhà Hậu Lê. Trong đền Song Trung còn lưu giữ nội dung văn bia cổ ghi lại lịch sử mảnh đất, thân thế của hai vị công thần. Ngày 16/9/2016, UBND tỉnh đã ra quyết định số 2826/QĐ – UBND công nhận Di tích lịch sử đền Song Trung được xếp hạng cấp tỉnh.

Quốc Anh - Hoàng Tư