Thường xuyên kiểm tra nhưng hỏa hoạn vẫn xảy ra và ngày càng nghiêm trọng

Lã Thị Thúy hằng
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng mà không cảnh báo được, thậm chí còn để vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước. Đó là điều cần xem lại. Các cơ quan chức năng phải rà soát ngay tại địa bàn mình để kiểm tra, đánh giá lại, xem đơn vị nào không đủ tiêu chuẩn phải đóng cửa ngay bởi đây là mạng sống con người, là tài sản của người dân.

Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương tối 6/9 làm thiệt mạng 32 người khiến dư luận bàng hoàng chưa kịp lắng xuống thì chiều tối 11/9, hỏa hoạn lại bùng lên ở quán karaoke Yến Nhi tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. May mắn là vụ cháy này không có thương vong, theo thông tin ban đầu, 30 người trong quán karaoke Yến Nhi thoát được ra ngoài an toàn.

b1-1662948892.jpg

Lực lượng chức năng phá tường tiếp cận, giải cứu nạn nhân.

Nguy cơ cháy, nổ vẫn xảy ra nhan nhản

Cách đây chưa lâu, ngày 1/8, vụ cháy quán karaoke ISIS ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã khiến 3 chiến sĩ thuộc Công an thành phố này hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn. Sáu năm trước, cũng ở quận này đã xảy ra 1 vụ cháy quán karaoke làm 13 người thiệt mạng.

Trước hàng loạt vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng về nhân mạng, dư luận đặt ra hàng loạt vấn đề: Quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) có đủ chặt chẽ chưa? Vì sao các quán karaoke trước đó vẫn hoạt động bình thường song khi xảy ra cháy thì lộ hàng loạt vi phạm về PCCC? Ai phải chịu trách nhiệm về công tác kiểm tra, giám sát tại các quán karaoke xảy ra hỏa hoạn?

Thông tư 147/2020 của Bộ Công an quy định rõ về biện pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Theo đó, ngoài các quy định về hệ thống cấp nước, báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn... thì việc thiết kế, lắp đặt biển quảng cáo của công trình phải bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt. Cụ thể, vị trí lắp đặt biển quảng cáo không che kín toàn bộ nhà, công trình, không che lấp các lối thoát nạn, ban công; vật liệu sử dụng cho kết cấu biển quảng cáo phải là vật liệu không cháy; không để hàng hóa, vật liệu dễ cháy bên dưới hoặc gần vị trí đặt biển quảng cáo...

Tuy nhiên, theo Công an TP Hà Nội, thực tế, cơ sở kinh doanh karaoke có đặc điểm kiến trúc thường rất kín để tránh tiếng ồn, mặt trước công trình hầu như bị che chắn để làm biển hiệu quảng cáo nên điều kiện thông gió gần như không có, khi cháy sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói. Đây cũng là nơi có nhiều chất dễ cháy như bàn ghế, phông rèm, mút xốp, cao su, bông vải sợi… Do đó, khi xảy ra hỏa hoạn, lửa lan cực nhanh và tỏa nhiều khói, khí độc.

Chưa kể, việc sử dụng nhiều loại thiết bị điện với công suất lớn như máy điều hòa, thiết bị âm thanh, ánh sáng… dễ dẫn đến tình trạng quá tải, chập mạch gây cháy. Việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán karaoke song không chú ý các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC cũng là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn như thiếu lối thoát nạn, hệ thống điện không phù hợp...

Kiểm tra, rà soát tổng thể

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an TP Hà Nội, cho biết thủ đô có 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke. Trong đó, 58% cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn PCCC. Trong số này, 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện nên đã bị xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trên văn bản kiểm tra.

Còn theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP HCM, việc kiểm tra PCCC diễn ra định kỳ thường xuyên hoặc đột xuất. "Nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm; nếu vi phạm nghiêm trọng thì tạm đình chỉ hoạt động. Trong đợt kiểm tra mới đây, lực lượng chức năng đã tạm đình chỉ 20 cơ sở không đạt tiêu chuẩn về PCCC" - đại tá Tâm cho hay.

b2-1662948916.jpg

Lực lượng công an bảo vệ hiện trường sau vụ cháy quán karaok An Phú ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Về giải pháp nhằm kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại do các vụ cháy gây ra, đại tá Tâm cho biết Công an TP HCM đã và đang triển khai thực hiện mô hình tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh. Mô hình này xác định việc PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phát huy phương châm "4 tại chỗ": Lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy trong dân để đối phó kịp thời, hiệu quả với cháy, nổ.

Theo lãnh đạo công an một quận tại TP HCM, thực trạng hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh khi hoạt động đều đã được các cơ quan thẩm quyền thẩm định về hệ thống PCCC. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, chủ các cơ sở tự lắp thêm những thiết bị khác; bố trí hàng hóa, vật dụng làm che chắn, cản trở lối thoát hiểm.

Trước băn khoăn liệu kết quả kiểm tra công tác PCCC có khách quan khi quy định hiện nay yêu cầu các đoàn kiểm tra định kỳ phải báo trước 3 ngày cho các chủ cơ sở, vị này khẳng định: "Đối với các cơ sở, hộ kinh doanh - sản xuất có tính đối phó với các đợt kiểm tra thì lực lượng công an khu vực trong quá trình tuần tra, khảo sát và nắm tình hình nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc tái diễn vi phạm nhiều lần thì đề xuất lên công an quận. Khi đó, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt".

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), cho biết theo báo cáo từ các địa phương, việc kiểm tra các cơ sở nói chung và quán karaoke nói riêng hằng năm được thực hiện đầy đủ. Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá và chấn chỉnh việc thực hiện công tác nghiệp vụ tại các địa phương.

"Kết thúc đợt kiểm tra, rà soát tổng thể các cơ sở kinh doanh karaoke trên toàn quốc vào cuối tháng 9 tới, cục sẽ đánh giá, thẩm định. Nếu phát hiện địa phương nào buông lỏng quản lý sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xử lý nghiêm" - đại tá Khương nhấn mạnh.

T.Hằng