Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân

Lã Thị Thúy hằng
Chiều ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số Bộ, ngành để tiếp tục bàn các giải pháp kịp thời, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị và sinh phẩm y tế đang diễn ra tại nhiều nơi và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.

a5-1655993833.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về việc cung ứng thuốc, vật tư y tế và giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành Y tế

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến phát biểu của các bộ, ngành và lãnh đạo Chính phủ, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trong khu vực công là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời.

Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý vấn đề này. Trước tình hình còn nghiêm trọng, cuộc họp hôm nay tiếp tục đánh giá sát tình hình, diễn biến, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, thảo luận các giải pháp, thúc đẩy các công việc. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và hỗ trợ của bàn bè quốc tế, dịch Covid-19 được kiểm soát. Qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số nước với nguy cơ dịch quay trở lại. Đối với trong nước cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, trong đó tổ chức tích cực hơn nữa tiêm vaccine cho các đối tượng cần phải tiêm, nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó dịch sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, chân tay miệng đang diễn biến; một số loại bệnh khác như tim mạch, ung thư, xướng khớp, đái tháo đường… tác động lẫn nhau khiến tình hình phức tạp hơn. Do đó, bên cạnh tăng cường năng lực y tế phòng, chống dịch Covid-19, phải tập trung thuốc, thiết bị, vật tư y tế, nhân lực cho phòng, chống các dịch bệnh khác.

a3-1655993539.jpg

Thủ tướng khẳng định, bên cạnh tăng cường năng lực y tế phòng, chống dịch Covid-19, phải tập trung thuốc, thiết bị, vật tư y tế, nhân lực cho phòng, chống các dịch bệnh khác.

Về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra, Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, tập trung ở Bộ Y tế và các địa phương như việc đấu thầu tập trung thuốc triển khai chậm; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát thị trường; gia hạn số đăng ký thuốc chậm; công tác kiểm tra thúc đẩy việc mua sắm chưa triển khai tích cực; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả và một số cán bộ còn sợ trách nhiệm, không dám làm gì.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt, Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến mua sắm, chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, vượt quá thì báo cáo các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, phải rà soát lại, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung từ cả Trung ương, địa phương trên tinh thần công khai, minh bạch, khách quan, rõ ràng, bám sát thị trường, không được tiêu cực, tham nhũng lợi ích nhóm, thực hiện việc này sớm nhất có thể, báo cáo tiến độ cho Thủ tướng và Thường trực Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm không để chậm chễ trong cấp phép thuốc, giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn cho người dân; đẩy mạnh phân cấp mua sắm các thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn ,tiêu chí, nâng cao năng lực bên dưới để tự chịu trách nhiệm, đi đôi với giám sát, kiểm tra. Khẩn trương triển khai chương trình phục hồi kinh tế, trong đó đã dành 14.000 tỷ đồng cho ngành y tế. Có cơ chế khuyến khích những người dám nghĩ dám làm, xử lý nghiêm những người trục lợi.

Liên quan nguồn nhân lực ngành y tế, Thủ tướng nêu rõ, phải có giải pháp tổng thể, toàn diện. Trước mắt, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về bố trí số người làm việc trong ngành y. Xây dựng khung pháp lý, cụ thể rõ ràng hơn về hợp tác công tư, đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ y tế, thu hút tư nhân tham gia nhiều hơn.

Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện theo tinh thần Nghị định 60 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Y tế cần chủ động, phối hợp các cơ quan chức năng trong việc thành lập trạm y tế không theo đơn vị hành chính mà theo quy mô dân số. Sớm đánh giá tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực, nhất là giữa các địa bàn, giữa các tuyến, chuyên môn sâu, các chuyên ngành với nhau. Bộ Y tế phối hợp Bộ Nội vụ có phương án bố trí đủ người làm việc một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 56 về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho công chức, viên chức ngành y tế. Tiếp tục hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng ý cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên khoa học, thực tiễn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình để dân hiểu, dân biết, dân nghe, dân theo, dân làm; ủng hộ, hợp tác với ngành Y tế trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. “Càng khó khăn, phức tạp, càng phải bình tĩnh, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lã Hằng