Tăng cường phòng chống vi phạm pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Lã Thị Thúy hằng
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được pháp luật cho phép, song lợi dụng nhu cầu "khát" con của nhiều cặp vợ chồng, các đối tượng đã tổ chức tìm người đẻ thuê để kiếm tiền.

b2-1664768268.jpg

Bộ Y tế yêu cầu quản lý chặt chẽ quy trình cho nhận tinh trùng/noãn/phôi. Ảnh: Sài Gòn Giải phóng.

Môi giới đẻ thuê giá hơn 700 triệu

Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên (Hà Nội) mới đây đã khởi tố bị can đối với Phan Thị Hằng Oanh (SN 1987, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Tài liệu của cơ quan công an thể hiện, Phan Thị Hằng Oanh nắm bắt được nhu cầu có con của các gia đình hiếm muộn, có vấn đề sinh lý... nên nảy sinh ý định kiếm lời từ dịch vụ mang thai hộ. Để thực hiện kế hoạch, Oanh lập nhóm “Hội nhóm mang thai hộ - hiến trứng - hiến tặng tinh trùng” trên mạng xã hội Facebook với mục đích tìm người mang thai hộ, người bán trứng và người có nhu cầu mang thai hộ để kiếm lời.

Tháng 3/2020, thông qua nhóm trên, Oanh nhận được đề nghị từ anh H.Đ.M. (SN 1987) về việc anh này muốn có con. Theo thỏa thuận, Oanh sẽ tìm người bán trứng để phối hợp với tinh trùng của anh M. tạo phôi. Tiếp đó, Oanh sẽ tìm người mang thai hộ và sinh con. Oanh báo giá tổng chi phí là 770 triệu đồng. Anh M. được “triết khấu” lại 70 triệu đồng.

Thỏa thuận xong với anh M., Oanh thương lượng mua trứng của chị L.T.L. (SN 1991, quê quán ở Hòa Bình) với giá 30 - 50 triệu đồng và mang thai hộ giá 270 - 340 triệu đồng. Sau đó, Oanh làm hồ sơ và thực hiện việc đưa tinh trùng anh M. vào trứng chị L. tại một bệnh viện. Tuy nhiên, công đoạn cấy phôi vào chị L. thất bại nên Oanh trả cho chị L. 50 triệu đồng tiền hiến trứng.

Tiếp tục hợp đồng với anh M., Oanh sau đó liên hệ với N.T.Q.T. (SN 1996) để mang thai hộ giá 320 triệu đồng. Để hợp thức hóa việc cấy phôi, Oanh đã làm giả Chứng minh nhân dân mang tên chị L.T.L. nhưng ảnh chân dung là của chị Q.T. sau đó nộp vào bệnh viện.

Quá trình chuyển phôi thành công, Oanh đưa chị Q.T. về dưỡng thai tại phòng trọ của mình ở số 11 Tư Đình (quận Long Biên). Công an quận Long Biên sau đó đã tiến hành kiểm tra phòng trọ của Oanh. Quá trình kiểm tra, cơ quan điều tra đã thu giữ được nhiều tài liệu và vật chứng liên quan đến đường dây mang thai hộ vì mục đích thương mại. Cơ quan công an xác định, Oanh đã nhận 420 triệu đồng từ anh M. và chuyển 41 triệu cho chị Q.T.

Ngăn chặn và xử lý theo pháp luật mang thai hộ vì mục đích thương mại

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, thời gian qua, tình hình mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi có xu hướng diễn biến phức tạp. Truyền thông liên tục đăng các bài phản ánh về các đường dây đẻ thuê (mang thai hộ vì mục đích thương mại), mua bán tinh trùng/trứng/phôi đang bị các cơ quan chức năng điều tra và xử lý theo pháp luật.

Để bảo đảm việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản; phòng tránh tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi trong cơ sở khám chữa bệnh, mang thai hộ vì mục đích thương mại hoặc các hành vi tiếp tay, tham gia vào những đường dây phi pháp nêu trên của cán bộ y tế, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thực hiện các nội dung sau:

Tăng cường các biện pháp chống nhầm lẫn hoặc tráo đổi, mua bán tinh trùng/noãn/phôi bằng cách rà soát, hoàn thiện quy trình chống nhầm lẫn tinh trùng/noãn/phôi và phổ biến đến tất cả nhân viên; Quy trình lấy mẫu tinh dịch nên có nội dung về việc kiểm soát để bảo đảm mẫu tinh dịch được lấy đúng người và lấy tại bệnh viện, đề phòng tráo mẫu tinh dịch mang từ ngoài vào.

Bộ Y tế khuyến khích các cơ sở đầu tư và sử dụng phần mềm quản lý các trường hợp cho/nhận tinh trùng/noãn/phôi, thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (MTH vì MĐNĐ).

Cùng đó, việc nhận diện người bệnh và giao tử không chỉ bằng giấy tờ cá nhân mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi do sử dụng giấy tờ giả. Nên lưu trữ mẫu tinh dịch và mẫu máu để đối chiếu sau này.

Các đơn vị được yêu cầu xây dựng quy trình vận chuyển, tiếp nhận tinh trùng/noãn/phôi giữa các bệnh viện và thường xuyên kiểm tra để phòng tránh việc tráo đổi. Trong quy trình nhận/chuyển phôi, bình trữ phôi và hồ sơ kèm theo cần được bàn giao giữa 2 bệnh viện và có thông tin phản hồi để đảm bảo phôi được chuyển đến đúng đơn vị nhận phôi, phòng tránh việc tráo hồ sơ hoặc phôi bị chuyển cho người khác với mục đích đẻ thuê.

b1-1664768447.jpg

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là 1 trong 45 bệnh viện hỗ trợ sinh sản cho các trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Hiện cả nước có 45 cơ sở hỗ trợ sinh sản trong và ngoài công lập. Bộ Y tế yêu cầu tăng cường đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật này.

Trong đó, chỉ định mang thai hộ cần được xét duyệt cẩn thận và được lãnh đạo bệnh viện ký chỉ định. Để bảo đảm xác định mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa người MTH và người nhờ MTH, ngoài Giấy xác nhận của UBND xã, bệnh viện có thể yêu cầu gia đình cung cấp các giấy tờ có liên quan để đối chiếu.

Khuyến khích các cơ sở ký hợp đồng với công ty Luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm nhân viên tuân thủ các quy định chống nhầm lẫn, tráo đổi tinh trùng/noãn/phôi. Các cơ sở cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm quy định chống nhầm lẫn hoặc để việc nhầm lẫn/tráo đổi xảy ra; tham gia hoặc tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê.

Thường xuyên tập huấn, cập nhật cho cán bộ của đơn vị về các quy định chuyên môn và pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Các đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật các trường hợp buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, mang thai hộ vì mục đích thương mại hoặc các hành vi tiếp tay cho những đường dây phi pháp nêu trên.

Đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các Bệnh viện trực thuộc Bộ; Y tế các bộ, Ngành; Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về TTTON và MTH vì MĐNĐ tại địa bàn, đơn vị mình. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo cáo ngay về Bộ Y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

T.Hằng