Sở Khoa học và Công nghệ giải mã lý do vật dụng tự bốc cháy ở Long An

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Liên quan đến việc vật dụng trong nhà của ông Nguyễn Văn Hoàng, 70 tuổi, ngụ ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An bỗng dưng bốc cháy. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An đã có nhận định sơ bộ của chuyên gia.
z3593693350527-2696db227a4c84dc174b840f3f70129e-4924-1659939461.jpg
Ngôi nhà của ông Hoàng - nơi xảy ra 4 vụ cháy không rõ nguyên nhân.

Cụ thể, từ tháng 4-2022 đến nay đã xảy ra 4 lần cháy quần, áo, mùng, mền, gối, rèm cửa vải, bao bì nhựa… tại hộ ông Nguyễn Văn Hoàng. Những vật bị cháy là những vật dễ bắt lửa. Thời gian cháy không cố định, cả ban đêm và ban ngày.

Ông Hoàng cho biết, gia đình đã sống hàng chục năm trong ngôi nhà, không có chuyện đồ đạc tự dưng cháy. Lần đầu phát hiện cháy, các thành viên trong nhà vô cùng hốt hoảng. Người chạy tìm nước, bao bố để dập lửa, người cầu cứu hàng xóm, chính quyền địa phương, lực lượng công an.

Sau khi các ngành chức năng địa phương cắt cử lực lượng bám sát hiện trường theo dõi, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây cháy. Sáng nay, ngày 8-8, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An – Nguyễn Minh Hải cho biết, qua kết quả khảo sát thực tế ngày 8-7 và ngày 23-7 cũng như đối chiếu với tài liệu nghiên cứu địa chất tại địa điểm xảy ra vụ cháy, Sở Khoa học và Công nghệ đã có được báo cáo nhận định của chuyên gia.

Theo TS Lê Phát Quới, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh thái (CESE) TP.HCM, nguyên nhân vụ cháy là do đất nhà ông Nguyễn Văn Hoàng nằm trên trầm tích đầm lầy.

Có thể trong trầm tích này có chứa nhiều hợp chất khí Phosphor (P); Hố gas tự hoại phía nhà sau, cũng có thể hình thành khí gas, mà giả định là khí gas thoát ra bên ngoài tạo thành làn khói trắng; Các hợp chất Phosphor trắng như Phosphine (PH3), Diphosphine (P2H4) sẽ bị oxi hóa tạo ra làn ánh sáng màu vàng và có thể gây cháy các vật liệu như áo quần, các vật dụng dễ cháy khác.

Hiện tượng phát sáng thường xuất hiện trong môi trường ẩm.

Điều này phù hợp vì các lần cháy đều xảy ra sau cơn mưa, hoặc mưa lâm râm. Tần suất xuất hiện phát sáng và gây cháy có thể chấm dứt do nguồn khí không còn, hoặc sẽ xuất hiện trở lại khi các hoạt động phân hủy tàn dư thực vật tiếp tục diễn ra, tuy nhiên, mức độ không nhiều.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An và nhóm chuyên gia sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan địa phương và gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng theo dõi, khi có hiện tượng cháy tương tự xảy ra, sẽ tiến hành đo đạc và lấy mẫu phân tích các thành phần liên quan để có luận cứ khoa học chuẩn xác.

Huỳnh Du