Ranh giới giữa các doanh nghiệp dần bị xóa nhòa

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Sức cạnh tranh đã không nhất thiết tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp mà tùy thuộc vào sự năng động của các doanh nghiệp...

Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp ngày 28/2, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu trước đây doanh nghiệp nhỏ chỉ tiếp cận thị trường thế giới bằng cách liên kết với doanh nghiệp lớn, thì bây giờ hoàn toàn có thể tự thiết lập mối liên hệ.

Ranh giới giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn đang bị xóa nhòa. Sức cạnh tranh đã không nhất thiết tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp mà tùy thuộc vào sự năng động của các doanh nghiệp.

24.loc1 (2)
TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi làm việc với Thành phố Đà Nẵng.

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bao giờ cũng là xương sống của nền kinh tế ở mọi nước trên thế giới, kể cả châu Âu hay châu Mỹ, các doanh nghiệp này luôn chiếm tỷ lệ 98-99% của các nền kinh tế. APEC 2017 cũng nói nhiều về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và xác định đây sẽ là động lực phát triển chính của kinh tế thế giới trong thời gian tới với sự tiếp sức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin và internet làm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có thể tham gia vào thị trường thế giới, cũng có thể trở thành chủ thể của thị trường thế giới.  

Trước đây nền thương mại thế giới được thống trị bởi các doanh nghiệp siêu lớn, các tập đoàn chi phối. Sự thống trị của 1 vạn doanh nghiệp lớn đã tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng đối với nền kinh tế thế giới. Thế nhưng, bây giờ với kỷ nguyên của công nghệ số và tiếp sức của internet, có hàng triệu, hàng chục triệu, hàng trăm triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò chính, là chủ thể của nền kinh tế thế giới. Khi đó, nền kinh tế sẽ biến đổi khôn lường.

Từ đó, TS. Lộc cũng đưa ra nhận định rằng chuẩn mực đã thay đổi, cạnh tranh không phải bằng “cơ bắp” mà bằng trí tuệ, tốc độ: “Quy mô không còn quan trọng, mà tốc độ mới là quan trọng, những doanh nghiệp khởi nghiệp của ngày hôm nay có thể là “đại gia” trong nền kinh tế sau 5-10 năm nữa, trong khi đó các doanh nghiệp đại gia hiện nay có thể biến mất trên thị trường trong vài ba năm sau”.

 

Tuyết Nga