Quy trình điều tra và luận tội Tổng thống Mỹ

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Ngày 24/9 (sáng 25/9 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Donald Trump. Cuộc điều tra xoay quanh nghi vấn liệu ông Trump lạm dụng quyền lực và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu đối thủ chính trị Joe Biden.

Diễn biến trên xảy ra sau khi Quốc hội Mỹ biết về một báo cáo tố giác được đệ trình bởi một thành viên của cộng đồng tình báo xoay quanh một hoặc nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky. Nội dung các cuộc đàm thoại được cho là có liên quan đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ tiềm tàng của ông Trump trong cuộc chạy đua tái tranh cử tổng thống năm 2020.

pelosy
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: AFP

Các nhà lập quốc ở Mỹ khi thành lập văn phòng Tổng thống đã lo ngại rằng quyền lực có thể bị lạm dụng. Vì thế họ đã thêm vào Hiến pháp Mỹ một quy trình theo đó có thể bãi nhiệm một Tổng thống đương chức.

Theo Hiến pháp, Tổng thống có thể bị bãi nhiệm vì tội “phản quốc, nhận hối lộ và các tội nghiêm trọng khác”.

Những tội danh chính xác theo điều khoản này là những gì vẫn còn gây tranh cãi. Nhìn lại lịch sử, nó có thể bao gồm tội tham nhũng và việc lạm dụng niềm tin của công chúng. Một Tổng thống không nhất thiết phải phạm tội hình sự cụ thể mới bị đưa ra luận tội.

Rất nhiều nhà bình luận nói rằng, việc gây sức ép với một nhà lãnh đạo nước ngoài để can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ là một kiểu hành động mà các nhà lập quốc có thể sẽ xem xét tiến hành luận tội.

Thông thường, Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan tới cuộc điều tra luận tội Tổng thống.

trump-impeach-805736
Phải được 2/3 Thượng Nghị sĩ tán thành thì Tổng thống Trump mới bị luận tội

Nếu đa số Hạ viện 435 thành viên thông qua các cáo buộc, còn được gọi là “các điều khoản của luận tội”, quy trình tiếp theo sẽ được chuyển lên Thượng viện. Sau đó, Thượng viện sẽ tổ chức phiên xét xử để quyết định việc Tổng thống có tội hay không.

Trong một phiên xét xử như vậy, các thành viên Hạ viện sẽ đóng vai trò như công tố viên, còn các Thượng nghị sỹ đóng vai trò như bồi thẩm đoàn, và Tòa án tối cao Mỹ sẽ làm Chủ tọa. Sau phiên phân xử, toàn bộ 100 thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu và tổng thống chỉ bị kết tội và phế truất nếu 2/3 thượng nghị sĩ tán thành với điều này. Sau khi tổng thống bị phế truất, phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống và giữ ghế cho đến hết nhiệm kỳ của người tiền nhiệm.

Hạ viện Mỹ hiện có 235 nghị sĩ đảng Dân chủ, 199 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 1 nghị sĩ độc lập. Với tỷ lệ này thì phe Dân chủ có thể thông qua việc luận tội Tổng thống Trump ở hạ viện mà không cần sự can thiệp từ phe Cộng hoà.

Hiện tại, Thượng viện có 53 thành viên Cộng hòa và 45 thành viên Dân chủ cùng 2 thành viên độc lập (nhưng thường bỏ phiếu theo phe Dân chủ). Việc kết tội và bãi nhiệm Tổng thống cần 67 phiếu. Vì thế, để bãi nhiệm Tổng thống thông qua luận tội, thì ít nhất 20 nghị sĩ Cộng hòa và toàn bộ các nghị sĩ Dân chủ và độc lập phải bỏ phiếu chống lại Tổng thống Trump.

luan_toi_tong_thong_my_alqy
Thông tin luận tội Tổng thống Bill Clinton lên trang nhất tờ Washington Post ngày 20/12/1998.

Trong lịch sử, chưa có Tổng thống nào của Mỹ bị bãi nhiệm từ một cuộc luận tội. Tổng thống Richard Nixon đã từ chức năm 1974 trước khi ông bị luận tội. Còn Tổng thống Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998 đều bị luận tội ở Hạ viện, nhưng lại không bị kết tội ở Thượng viện.

Quang Minh (t/h)