Phú Yên sẵn sàng sơ tán, di dời người dân ở vùng bị chia cắt do mưa lũ

Đặng Thu Hằng
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, địa phương yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ, chủ động phương án di dời, sơ tán dân tại vùng ven sông, chia cắt.

Chiều 11/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên (BCH PCTT, TKCN) vừa có công điện chủ động triển khai công tác ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt.

z3787876619424-48c1a-1665484895.jpeg
Nước ngập, chảy xiết trên địa bàn thôn Quan Quang, xã Hòa Kiến, TP.Tuy Hòa. (Ảnh: Lao Động)

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa to, đến rất to, lượng mưa đo được tại các trạm đo mưa tự động, từ 19h tối 9.10 đến 13h chiều 10.10 phổ biến từ 60 -150mm (Hòa Xuân Đông, Đông Hoà: 150mm). Dự báo từ ngày 10-11,10 trên địa bàn tỉnh có mưa từ 70 -150mm, có nơi trên 150mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của mưa lũ; chủ động triển khai phương án phòng, ứng phó với mưa lũ phù hợp tình hình thực tế; thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”.

Rà soát, nắm chắc số lượng phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương, đơn vị và có phương án huy động phương tiện, lực lượng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố do thiên tai gây ra.

Chủ động, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án ứng phó mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, đơn vị; chủ động phương án di dời, sơ tán dân tại các vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, chia cắt...; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ”, đồng thời đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch bệnh; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Đối với các chủ hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện: Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt để chủ động chỉ đạo công tác vận hành, điều tiết, tích nước, đón, cắt giảm lũ cho vùng hạ du, hạn chế thấp nhất ngập lụt và thiệt hại do lũ lụt gây ra; thực hiện phương án đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thông tin kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.

Cũng trong chiều 11/10, ông Nguyễn Hữu Danh - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Đông Hòa (tPhú Yên) - cho biết do mưa lớn, một số đường đến trường bị ngập nước, nên phòng chỉ đạo các trường vùng trũng tạm cho học sinh nghỉ học vào chiều cùng ngày.

20221011-truong-do-nhu-day-16654793129191905336312-1665485272.jpeg
Nước lụt ngập đường trước cổng Trường tiểu học Đỗ Như Dạy (phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa). (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Cụ thể, chiều nay 11/10, có 105 học sinh ở các trường tiểu học Kim Đồng, tiểu học Đỗ Như Dạy, mầm non Hòa Xuân Tây được cho nghỉ học.

"Chiều nay nước lụt vào sân Trường tiểu học Đỗ Như Dạy nên chúng tôi chỉ đạo ngày mai 461 học sinh của trường này được cho nghỉ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, 42 cháu ở Trường mầm non phường Hòa Xuân Tây cũng được cho nghỉ vào ngày mai 12-10. Các trường học khác tùy tình hình mưa trong chiều và tối nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã sẽ có chỉ đạo phù hợp tiếp theo" - ông Danh nói.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh, thành phố Trung Bộ từ Quảng Bình đến Phú Yên bị ảnh hưởng của không khí lạnh, đã có mưa rất lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Trong hôm nay từ Quảng Bình đến Quảng Trị tiếp tục mưa từ 40 -70mm, có nơi trên 90mm; Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi mưa rất lớn từ 150 - 250mm, có nơi trên 300mm... Mưa lớn gây lũ trên các sông trong khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, đỉnh lũ ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.

T.H.