Phần mềm quản lý hiến máu của nữ cán bộ Đoàn

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Phạm Lê Phương Thảo, Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Trà Vinh kể: “Có thời điểm nguồn máu dự trữ rất thấp, các đơn vị tiếp nhận máu thường xuyên gọi điện thoại xin thông tin những người hiến máu để vận động họ tham gia. Khi ấy, mình phụ trách hoạt động hiến máu của trường nên mỗi lần tìm kiếm là phải lục ra cả thùng A4 giấy tờ để tìm lại thông tin của sinh viên trường…”.

Thực tế đó khiến Thảo tự đặt ra câu hỏi cho bản thân: “Phải làm gì đó để hoạt động này nhanh hơn, đẩy nhanh tốc độ làm việc của bản thân”. Tìm lời giải cho câu hỏi đó, giờ đây cô gái trẻ chỉ cần một động tác bấm “Enter” là có đầy đủ thông tin người hiến máu nhờ vào phần mềm “Quản lý hiến máu”.

Theo Thảo, phần mềm này cho phép nhập danh sách bao gồm các thông tin về họ tên, năm sinh, quê quán, đơn vị đang học tập, công tác, nhóm máu, số lần hiến máu và ngày tháng tham gia hiến máu). Dữ liệu được thực hiện dựa trên nền tảng Access, gần gũi với nhân viên văn phòng và tiện lợi, dễ dàng khi sử dụng, có thể nhập liệu từ file Excel giúp cải thiện tốc độ thực hiện và linh hoạt trong khâu nhập liệu. Người dùng có thể xuất dữ liệu và in ấn dễ dàng, giúp tiện lợi và nhanh chóng hơn trong khâu báo cáo.

Phạm Lê Phương Thảo
Phạm Lê Phương Thảo

Bên cạnh đó, thông qua các công cụ, ứng dụng, trên nền tảng web, nền tảng di động, Đoàn trường Đại học Trà Vinh đã vận dụng sáng tạo và phù hợp vào công tác quản lý văn bản, phân công công việc một cách nhanh chóng, khoa học. Đối với các phần mềm quản lý còn có thể giúp cán bộ chuyên trách, Đoàn cơ sở trực thuộc tương tác trên hệ thống để thực hiện các nội dung, công việc cụ thể của từng đơn vị mình. Sinh viên cũng có thể tương tác và thực hiện các thao tác để có thể tự xác nhận thành tích cho mình.

Với những lợi ích mang lại, phần mềm “Quản lý hiến máu” do Thảo xây dựng nhận được đánh giá cao. Ngay từ khi manh nha ý tưởng, cô gái trẻ đã mong muốn tạo ra một công cụ nhằm hỗ trợ việc ghi nhận, theo dõi thông tin hiến máu của sinh viên, giảng viên nhà trường chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả; Đồng thời, tránh tình trạng thất lạc giấy chứng nhận hiến máu.

Tuy nhiên, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên Thảo gặp nhiều khó khăn. Không đầu hàng cái khó, cô gái trẻ lên mạng tìm kiếm tài liệu, học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệm trong xây dựng phần mềm. “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đặc biệt ở trưởng đại học thì việc chuyển số càng cần phải thực hiện. Với mình chuyển đổi số là sự vận dụng những công cụ hữu ích góp phần tăng tính lan tỏa và tốc độ thực hiện công việc”, Thảo chia sẻ.

Phạm Lê Phương Thảo (thứ hai từ trái sang) trong chương trình giao lưu
Phạm Lê Phương Thảo (thứ hai từ phải sang) trong chương trình giao lưu các cá nhân đạt giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2023

Ngoài số hóa hiến máu tình nguyện, Thảo còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động của Đoàn. Cô gái trẻ áp dụng việc tuyên truyền số đến sinh viên như: Thực hiện các infographic, video ngắn cho tất cả các hoạt động của Đoàn, để các bạn sinh viên có cái nhìn trực quan hơn, có cách tiếp cận thú vị hơn với công tác tuyên truyền của Đoàn…

Ngoài ra, Thảo đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua các nhân vật truyền cảm hứng (KOL) để có thể truyền tải đến sinh viên nhanh chóng. Thông qua các câu chuyện thực tế, quá trình và trải nghiệm của những nhân vật đó truyền những thông điệp tích cực đến sinh viên. Những hoạt động tích cực, năng nổ của Thảo đã góp phần phát triển công tác Đoàn trường Đại học Trà Vinh.

Với những thành tích đạt được Phương Thảo được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2023.

Nguyễn Dũng