Ninh Bình: Hơn 14.000 người dân được khám sàng lọc, chủ động phát hiện bệnh lao

Nguyễn Diệp Linh
Ninh Bình là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước tiên phong triển khai mô hình phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng với quy mô rộng, thí điểm mô hình chấm dứt bệnh lao ở từng địa phương.

Chiều 6/7, UBND huyện Gia Viễn phối hợp với Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Phổi tỉnh tổ chức Hội thảo đánh giá triển khai hoạt động phát hiện chủ động bệnh lao trên địa bàn huyện Gia Viễn. Tới dự có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Bệnh viện Phổi trung ương; lãnh đạo huyện Gia Viễn, Sở Y tế, Bệnh viện Phổi tỉnh.

Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc BV Phổi tỉnh Ninh Bình Vũ Thị Bích Thảo cho biết, từ đầu năm đến nay, Ninh Bình đã triển khai phát hiện chủ động bệnh lao trên toàn bộ các xã của huyện Gia Viễn, một số xã của huyện Yên Khánh và Hoa Lư. Tổng số người được chụp X-quang xấp xỉ 14.000, kết quả chẩn đoán chưa đầy đủ đã phát hiện 34 bệnh nhân lao (trong đó có 29 ca lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học, 01 ca lao kháng thuốc, 04 ca lao phổi âm tính). Tỷ lệ phát hiện ca bệnh trên 100.000 dân thấp so với số trung bình trên toàn quốc. Có thể giả định dịch tễ bệnh lao ở Ninh Bình đang có xu hướng giảm.

Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, TS.BSCC Đinh Văn Lượng đã đánh giá cao những kết quả ban đầu rất tích cực mà Bệnh viện Phổi tỉnh Ninh Bình đã triển khai, đồng thời nhấn mạnh: "Mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035 chỉ có thể thành công với sự tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, của người dân". Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia hy vọng Ninh Bình sẽ trở thành tỉnh đầu tiên chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam, là cơ sở điển hình để mở rộng mô hình ra các tỉnh khác trên toàn quốc.

Hơn 14.000 người dân Ninh Bình được khám sàng lọc, chủ động phát hiện bệnh lao

 - Ảnh 2.

Hội thảo để đánh giá hoạt động chủ động phát hiện bệnh lao tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Ảnh: Sức khỏe Đời sống

Với mục tiêu đầy tham vọng nói trên, TS.BSCC Đinh Văn Lượng khẳng định: "Trọng tâm là Ninh Bình cần tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh các can thiệp toàn diện để tăng cường phát hiện ca bệnh và điều trị hiệu quả, đồng thời cần xây dựng Kế hoạch và đề án phòng chống lao hàng năm và theo từng giai đoạn, đặt ra mục tiêu và lộ trình chấm dứt bệnh lao, nhu cầu kinh phí hàng năm và giai đoạn gửi lên UBND, Sở Y tế để vận động nguồn kinh phí địa phương, các nguồn doanh nghiệp khác bên cạnh nguồn kinh phí từ Bệnh viện Phổi trung ương – Chương trình chống lao quốc gia.". TS.BSCC Đinh Văn Lượng chia sẻ thêm.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, cho biết, lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Ninh Bình, trong đó công tác phòng chống bệnh lao là vấn đề cấp thiết luôn được quan tâm, chú trọng. Chiến dịch ở huyện Gia Viễn chính là khởi đầu cho hoạt động tầm soát diện rộng bệnh lao, các bệnh về phổi tại Ninh Bình. Đồng thời, hoạt động này sẽ phối hợp với các đơn vị y tế cơ sở để tầm soát một số bệnh lý mạn tính như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, …, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Phát hiện sớm bệnh lao là hoạt động có ý nghĩa trong việc bảo vệ sức khỏe người dân địa phương.

"Trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Bình cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hoạt động phòng chống lao trên địa bàn, đảm bảo nguồn lực từ tỉnh để đóng góp cho công cuộc phòng chống lao triển khai hiệu quả và bền vững, đưa Ninh Bình trở thành tỉnh thí điểm cho mô hình chấm dứt bệnh lao ở cộng đồng".

T/H