Đi khám do nhiệt miệng, người đàn ông được phát hiện ung thư lưỡi giai đoạn 4

Lương Quốc Đăng
Theo BS. Thịnh, K lưỡi là bệnh hay gặp và liên quan trực tiếp tới lối sống, chế độ dinh dưỡng của mọi người. Nếu được phát hiện sớm thì K lưỡi có thể dễ được điều trị ổn định hơn. Song, ở giai đoạn 4 như bệnh nhân này thì việc điều trị rất khó khăn. Thời gian sống được bao lâu còn tùy thể trạng và khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân.

Vừa mới đây, trên Zing lại đưa tin về trường hợp một người phát hiện bệnh K giai đoạn cuối. Điều đáng nói là khi có triệu chứng, người này lại cứ nghĩ đó chỉ là vấn đề thông thường nên không có đi khám.

K lưỡi là bệnh dễ nhầm lẫn. Ảnh minh họa, nguồn: bestdentistsstatenisland

Tưởng mình bị nhiệt miệng mãi không khỏi nên đi khám, người đàn ông phát hiện K giai đoạn cuối

Chia sẻ trên tờ Zing, Ths.BS Thân Văn Thịnh (Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội) cho hay: Bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân L.H.N. (nam, 39 tuổi, ngụ Ba Đình, Hà Nội) trong tình trạng sùi loét ở lưỡi nghiêm trọng kèm cảm giác đau nhức.

Khai thác tiền sử, bác sĩ phát hiện: Khoảng 2 tháng trước, người này xuất hiện vết gồ nhỏ ở lưỡi. Nhưng vì nghĩ mình bị nhiệt miệng nên bệnh nhân chỉ súc miệng nước muối. Vì tình trạng không cải thiện nên người đàn ông có đi khám tại một số nơi.

Khám xong, người đàn ông được chẩn đoán loét áp tơ lưỡi và cho thuốc kháng sinh về dùng. Thời gian tiếp đó, tình trạng loét và cơn đau nhức giảm hẳn. Song, 2 – 3 tuần kế tiếp, vết loét lại gồ lên nhưng người này chủ quan cho rằng vết loét sẽ tự lành nên không tìm cách xử lý.

Một tháng sau đó, vết loét lan rộng kèm cảm giác đau nhức khiến bệnh nhân phải đi khám. Tại Bệnh viện Ung Bướu HN, bệnh nhân được chẩn đoán K lưỡi giai đoạn 4, đã bị xâm lấn ở cơ lưỡi cùng khu vực xung quanh. Kết quả sinh thiết cho thấy: Người đàn ông bị K biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập.

Hiện, bệnh nhân nhập viện điều trị với phương pháp xạ trị hóa chất do tình trạng hiện tại không cho phép phẫu thuật ngay. Tiên lượng của nam bệnh nhân cũng khá xấu.

Theo BS. Thịnh, K lưỡi là bệnh hay gặp và liên quan trực tiếp tới lối sống, chế độ dinh dưỡng của mọi người. Nếu được phát hiện sớm thì K lưỡi có thể dễ được điều trị ổn định hơn. Song, ở giai đoạn 4 như bệnh nhân này thì việc điều trị rất khó khăn. Thời gian sống được bao lâu còn tùy thể trạng và khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân.

Ai có biểu hiện nhiệt miệng mãi không khỏi thì nên đi khám. Ảnh minh họa, nguồn: xuehua

Những dấu hiệu cảnh báo K lưỡi: Rất dễ nhầm lẫn nhưng không ai được chủ quan

+ Giai đoạn đầu:

Lúc này, khối u mới xuất hiện, kích thước còn nhỏ nên triệu chứng thường không rõ ràng. Cũng vì thế mà mọi người dễ bỏ qua. Người bệnh có cảm giác như bị dị vật hay xương cá cắm vào lưỡi, gây cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nó không duy trì trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ xuất hiện điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với nốt nhiệt miệng.

Ngoài ra, khoảng 50% bệnh nhân xuất hiện hạch ngay từ đầu. Hạch này nằm ở dưới cằm, dưới hàm, cảnh cao.

+ Giai đoạn toàn phát:

Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ thấy đau khi ăn uống, cơn đau kéo dài khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi nói, nuốt. Hơn nữa, bệnh nhân cũng có thể bị sốt do nhiễm khuẩn, không ăn được nên cơ thể bị sụt cân rất nhanh.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cảm thấy cơn đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay nóng. Đôi khi, cơn đau lan lên tai, tăng tiết nước bọt, chảy máu vùng miệng kèm hơi thở có mùi.

Lúc này, ổ loét cũng xuất hiện ở lưỡi kèm triệu chứng phủ giả mạc, dễ chảy máu, vết loét lan rộng nhanh chóng khiến lưỡi hạn chế vận động.

+ Giai đoạn tiến triển:

Khi đã đến giai đoạn này, thể loét chiếm ưu thế. Vết loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới gây đau đớn, bội nhiễm, có mùi hôi. Hơn nữa, vết loét dễ chảy máu, thậm chí là xuất huyết trầm trọng.

Khi thăm khám, bác sĩ chỉ có thể gây tê để hạn chế phản ứng của bệnh nhân do đau đớn.

Đọc thông tin này trên báo mới thấy, ung thư lưỡi hay bất cứ bệnh nào khác đều dễ nhầm lẫn ở giai đoạn đầu. Vì vậy, để bảo vệ mình thì tốt nhất cứ có dấu hiệu là khám các mẹ ạ. Kể cả nó là nốt nhiệt miệng thì khi có sự tư vấn của bác sĩ vẫn tốt hơn chúng ta cứ tự ý tìm cách chữa ý.

Lương Quốc Đăng