Kỳ diệu: Cứu sống cụ ông 100 tuổi bị đột quỵ não

Đặng Thu Hằng
Bệnh viện 108 đã cứu sống thành công cụ ông 100 tuổi bị đột quỵ thiếu máu não do tắc mạch. Đây là ca bệnh có tuổi cao nhất tại Việt Nam bị đột quỵ não và được cứu sống thành công.

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sỹ của bệnh viện vừa cứu sống thành công cụ ông N.B.T, 100 tuổi (sinh năm 1922, Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng liệt gần hoàn toàn nửa người phải, nói khó, huyết áp tăng cao. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp giờ thứ hai kể từ khi khởi phát, cân nhắc điều trị tái thông mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân quá cao tuổi, các bác sĩ lo ngại phương pháp này nguy cơ nhiều biến chứng.

dot-quy-1668076259171-1668107470.jpeg
Các bác sĩ Bệnh viện 108 đã cứu sống thành công cụ ông 100 tuổi bị đột quỵ não.

Sau hội chẩn, các bác sĩ thống nhất sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân với liều thấp 0,6 mg/kg thay vì liều tiêu chuẩn 0,9 mg/kg để hạn chế biến chứng xuất huyết. Bệnh nhân được tiêm thuốc chỉ sau 20 phút từ khi đến khoa cấp cứu, một giờ sau tay và chân bên phải có thể vận động nâng lên khỏi giường, ông ý thức tỉnh táo, nói rõ hơn. Kiểm tra lại sau 24 giờ, hình ảnh cắt lớp vi tính cho thấy sọ não hoàn toàn bình thường. Sau 5 ngày điều trị nội trú tại khoa Đột quỵ, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Ngày 10/11, tiến sĩ Nguyễn Quang Lĩnh, khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân trên 80 tuổi là nhóm có tỷ lệ biến chứng cao. Theo y văn, kỷ lục về bệnh nhân đột quỵ già nhất trên thế giới được điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch thành công, ghi nhận tại Mỹ vào năm 2021, là một cụ bà 105 tuổi, tiếp theo là một bệnh nhân 101 tuổi.

"Tại Việt Nam, cụ ông 100 tuổi trên là bệnh nhân đột quỵ già nhất được công bố điều trị thành công bằng phương pháp này", bác sĩ Lĩnh nói.

Sau 5 ngày điều trị nội trú tại Khoa Đột quỵ, bệnh nhân được xuất viện trong trạng thái hồi phục hoàn toàn như trước khi bị đột quỵ.

Trước khi ra viện, cụ N.B.T chia sẻ “Tôi không thể tin nổi mình có thể qua khỏi, bất ngờ và hạnh phúc là những gì tôi nhận được ở đây. Xin cảm ơn các y bác sỹ thật nhiều.”

Ra viện cụ ông 100 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh, tỉnh táo, hoạt bát như xưa. Trước đó, khi biết cụ bị đột quỵ não ở độ tuổi 100, cả gia đình không ai có thể tin là cụ có thể sống sót và hồi phục chỉ sau vài ngày điều trị.

Đột quỵ thiếu máu não chiếm 80% trường hợp đột quỵ nói chung. Hiện có hai phương pháp tái thông mạch là điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân có tắc mạch lớn. Cửa sổ thời gian điều trị tái thông rất hẹp, trong vòng 3-4,5 giờ từ khi khởi phát, do đó ít bệnh nhân được tiếp cận với những phương pháp này vì đến viện muộn.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai công bố kết quả nghiên cứu tại 10 trung tâm điều trị đột quỵ trên cả nước cho thấy độ tuổi đột quỵ trung bình ở người Việt là 65, trong đó tỷ lệ nam giới cao hơn 1,5 lần so với nữ. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ phổ biến (77%); đột quỵ do nhồi máu não chiếm 76%, do chảy máu não là 24%.

Khoảng hơn 30% số người đột quỵ đến viện trong thời gian vàng, tức dưới 6 giờ; 23% đến viện dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái tưới máu thấp, ở mức 14% - nguy cơ bị di chứng hoặc tử vong cao.

Bệnh nhân đột quỵ đến viện càng sớm thì có cơ hội phục hồi càng tốt. Các triệu chứng khởi phát đột quỵ não như méo miệng, nói ngọng, tê yếu tay chân, mất thăng bằng, nhìn mờ...

T.H.