Tổ chức Oxfam tại Việt Nam: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuyên nghiệp, trách nhiệm luôn đặt người hưởng lợi ở vị trí trung tâm 

Nguyễn Diệp Linh
Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc triển khai công tác nhân đạo. Phóng viên Tạp chí Nhân Đạo đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Xuân Việt – Quản lý Chương trình Cứu trợ Nhân đạo Tổ chức Oxfam tại Việt Nam về những kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả thúc đẩy các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam.

Được biết, Tổ chức Oxfam Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam. Vì sao Oxfam lại lựa chọn Việt Nam là một trong những nơi để triển khai các hoạt động nhân đạo, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Việt: Oxfam có mặt lần đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1955 với hoạt động cứu trợ nhân đạo là trọng tâm, ưu tiên. Từ cuối những năm 80, Oxfam bắt đầu triển khai các dự án phát triển nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tiên phong trong các lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai thảm họa và nâng cao vị thế phụ nữ.

Cùng nằm trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hơn, văn minh tiến bộ hơn song vẫn không thể giúp chúng ta trở nên an toàn hơn trước những khắc nghiệt của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Trên thực tế chúng ta vẫn đang phải đối mặt với sự biến đối khí hậu ngày càng diễn ra khốc liệt, khó lường, dịch bệnh, thiên tai và nhiều sự cố tự nhiên nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi, làm cho số người nghèo, nạn nhân thiên tai, thảm họa, người yếu thế, người cần sự trợ giúp nhân đạo gia tăng, trong đó phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, khuyết tật là những người rất cần sự quan tâm, trợ giúp thông qua các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

microsoftteams-image-13-1661485882.png
Ông Vũ Xuân Việt - Quản lý Chương trình Cứu trợ Nhân đạo Tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Ông có thể chia sẻ cụ thể về những hoạt động mà Oxfam đã triển khai tại Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Vũ Xuân Việt:Oxfam tại Việt Nam luôn xác định cứu trợ nhân đạo là một chương trình chiến lược trong các nhiệm vụ ưu tiên, đặc biệt chú trọng vào giai đoạn chuẩn bị các kế hoạch dự phòng trước những kịch bản khủng hoảng khác nhau. Trong khi Nhà nước đóng vai trò chủ động và định hướng quan trọng nhằm đảm bảo khả năng phòng ngừa chủ động và sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, các tổ chức nhân đạo sẽ đóng góp, tham gia vào các nỗ lực ứng phó chung, đảm bảo các hoạt động nhân đạo được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mỗi tổ chức để phối hợp đạt hiệu quả cao.

Sau các đợt bão, lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10 năm 2020, đáp ứng Lời kêu gọi của Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, Oxfam tại Việt Nam đã khẩn trương huy động được nguồn tài chính gần 1 triệu đô-la Mỹ từ các nguồn lực tự có và từ các nhà tài trợ gồm Chính phủ Ca-na-đa và Liên minh Cứu trợ Hà Lan (trực thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan). Nhờ đó, hơn 183.000 người dân, bao gồm 91.250 phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương tại địa bàn 18 xã thuộc 5 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Tuyên Hóa, Hải Lăng và Bắc Trà My tại 4 tỉnh miền Trung - Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam, đã được hưởng lợi từ các hỗ trợ tiền mặt không điều kiện, hỗ trợ khôi phục sinh kế, nước sạch-vệ sinh để phòng ngừa dịch bệnh, cải tạo các công trình dân sinh, sản xuất như đường giao thông liên thôn, giao thông nội đồng, mương thủy lợi nội đồng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

td6-6f07be545f-1661486560.jpg
Dự án “Cứu trợ Nhân đạo và Phục hồi sau lũ miền trung Việt Nam” do Chính phủ Canada, Liên minh Cứu trợ Hà Lan (thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan) và Oxfam tài trợ và triển khai.

Bên cạnh các hoạt động cứu trợ đối với nạn nhân bị ảnh hưởng do thiên tai, Tổ chức Oxfam cũng đã rất chủ động và có những hỗ trợ thiết thực đối với người dân bị tác động bởi đại dịch Covid - 19. Trong tháng 3/2022, Oxfam đã huy động được nguồn ngân sách có tổng trị giá trên 700.000 Đô la Mỹ để cấp phát tiền mặt, đào tạo kỹ năng việc làm và cấp vốn sản xuất, góp phần đáp ứng các nhu cầu ưu tiên của 3.700 người dân nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt và phục hồi sinh kế do ảnh hưởng nghiêm trọng của làn sóng dịch Covid -19 thứ 4, giúp người dân dần ổn định cuộc sống, tiếp tục thích ứng an toàn và phục hồi sau đại dịch, giúp thúc đẩy các nỗ lực phòng chống Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, hai tâm dịch lớn nhất của cả nước.

Oxfam đảm bảo nguyên tắc “nhân đạo, độc lập, công bằng” và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng và trách nhiệm giải trình trong cứu trợ nhân đạo. Chúng tôi đảm bảo người dân và lãnh đạo địa phương tham gia thực sự vào toàn bộ quá trình cứu trợ, từ lập kế hoạch, đến triển khai và giám sát. Tiêu chí lựa chọn người hưởng lợi, danh sách người hưởng lợi và các hoạt động đều có sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương, kết quả được chia sẻ công khai, minh bạch trong các cuộc họp thôn, xã để người dân và các nhóm dễ bị tổn thương tham gia góp ý, hoàn thiện trước khi triển khai các hỗ trợ nhân đạo.

Thời gian qua, Oxfam đã có rất nhiều hoạt động phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc triển khai công tác nhân đạo. Oxfam có đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc phối hợp hoạt động này?

Ông Vũ Xuân Việt: Trong suốt quá trình triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo vừa qua, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có rất nhiều cơ hội hợp tác, đồng hành để trợ giúp ngày càng hiệu quả hơn cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trở nên an toàn hơn trước tác động của thiên tai và dịch bệnh Covid-19. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đặc biệt là các cấp Hội tỉnh, huyện, xã đã trở thành đối tác chiến lược quan trọng cùng với Oxfam và các tổ chức đối tác địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các gói trợ giúp tiền mặt và hàng cứu trợ đến tận tay những người dân tại các vùng bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, dịch bệnh.

img-5351-1661486245.jpg
Bà Phùng Thị Thanh ở thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam phấn khởi khi nhận được hỗ trợ sau bão lụt

Các hoạt động phối hợp giữa 2 bên được thực hiện rất đa dạng, từ các hoạt động lập kế hoạch, cấp phát tiền mặt trực tiếp, hỗ trợ đổi công lao động tạo thu nhập, truyền thông về nước sạch – vệ sinh, khôi phục sản xuất, lồng ghép giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em… đến các hoạt động quản lý tri thức, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp, trao đổi kinh nghiệm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nâng cao năng lực cho đối tác địa phương về phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chuẩn bị các kế hoạch dự phòng ứng phó khẩn cấp, giúp các đối tác và các địa phương nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trước khi tình huống thiên tai nguy hiểm xảy ra. Trong các hoạt động ứng phó khẩn cấp, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn đặt người hưởng lợi ở vị trí trung tâm, áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế trong cứu trợ nhân đạo, nâng cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình với các bên liên quan, đặc biệt là với người hưởng lợi và các nhà tài trợ, các bên đối tác.

La Hiếu