Hiệu quả từ những cánh rừng "5 nhất"

Tạp Chí Nhân Đạo
Năm 1994, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã bắt tay thực hiện Dự án “Trồng rừng ngập mặn-Giảm thiểu rủi ro thảm họa” với sự hỗ trợ tài chính của nhiều tổ chức quốc tế. Trong 2 năm đầu (1994-1995), Dự án do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ từ năm 1994-1995, tiếp đó, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ cho dự án từ năm 1995-2015 và tiếp tục đến năm 2016.Dự án này thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố ven biển, đem lại những hiệu quả cao. Đặc biệt, ở các tỉnh, thành triển khai dự án, người dân các vùng ven biển không những bỏ được thói quen phá rừng làm ao đầm, lấy củi đốt mà còn tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn.

Rừng giúp giảm thiểu rủi ro thiên tại

Rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện trồng chiếm 4,27% tổng diện tích rừng ngập mặn hiện đang tồn tại ở Việt Nam, chiếm 25% diện tích rừng tại các tỉnh có triển khai chương trình. Đặc biệt, dự án trồng rừng ngập mặn được đánh giá là dự án “5 nhất” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Có thời gian triển khai dài nhất; triển khai ở nhiều địa bàn nhất; nhiều thành phần cộng đồng tham gia nhất; số lượng người được hưởng lợi nhiều nhất và hiệu quả nhất.

IMG_5443
Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa”do Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ được trồng tại Kim Sơn, Ninh Bình.

Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương triển khai hiệu quả dự án rừng ngập mặn ven biển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình Bùi Trọng Kỳ cho hay con đê Bình Minh 3 ở địa phương đã được tạo nên nhờ những cánh rừng ngập mặn quý giá này.

Hội Chữ thập đỏ tình Ninh Bình tiếp nhận dự án “Trồng rừng ngập mặn-Giảm thiểu rủi ro thảm họa” từ năm 1997.Qua gần 20 năm, đến nay diện tích rừng ngập mặn được trồng, công nhận là rừng theo tiêu chuẩn quốc gia góp phần phòng chống thiên tai, tăng nguồn lợi thủy sản, tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân.Cùng với việc nâng cao năng lực tự bảo vệ của các xã dự án trước rủi ro thảm họa, tác động biến đổi khí hậu, dự án cũng giúp tăng cường năng lực của Hội Chữ thập đỏ tỉnh trong việc xây dựng, thực hiện hiệu quả những chương trình quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng. Nơi đây ngập tràn một màu xanh mát của rừng bần, trang... Thống kê năm 2016, Ninh Bình có 24.520 ha rừng trong đó rừng tự nhiên là hơn 21.000 ha, rừng trồng gần 3.000 ha. Riêng rừng phòng hộ, tỉnh có 9.488 ha trong đó rừng phòng hộ ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn là 512 ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Quang Thìn chia sẻ: Biến đổi khí hậu và những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường… đang ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến cộng đồng dân cư. Thế nên, người dân Ninh Bình bên cạnh việcphát triển kinh tế, xã hội, gìn giữ, bảo tồn danh thắng, di tích lịch sử văn hóa còn luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng ngập mặn.

*Vành đai xanh bảo vệ dân sinh

Cũng có những vạt rừng xanh thẫm như huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), như ở xã Đa Lộc (tỉnh Thanh Hóa) màu xanh của rừng bần, đước và xú vẹt uốn lượn theo cửa biển tạo thành vành đai mềm bảo vệ an toàn cho cuộc sống, sản xuất của người dân nơi đây.

Giữa màu xanh mát tầm mắt ấy, ông Trần Thanh Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Lộc tự hào: Đến tận bây giờ, người dân trong xã vẫn truyền nhau câu chuyện thần kỳ về hiệu quả từ những cánh rừng ngập mặn trước cơn bão khủng khiếp năm 2005, mà Đa Lộc là một trong những xã thuộc vùng tâm bão. Khi đó, bão lớn đổ về, hầu như khu vực đường ven biển chưa có rừng ngập mặn bảo vệ đều bị phá hủy; rất nhiều nhà cửa, ruộng đồng ngập chìm trong nước, thiệt hại nặng nề. Thế nhưng, khoảng 1,5 km đường cùng các công trình dân sinh trong khu vực đã có rừng bảo vệ gần lại không hề hấn gì, vẫn hiên ngang trước gió bão. Từ đó, người dân trong xã luôn tích cực, tình nguyện tham gia các phong trào, cuộc vận động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa Trịnh Thị Tiếp cho biết, Thanh Hóa được hỗ trợ triển khai trồng rừng ngập mặn từ năm 1997, không chỉ riêng Đa Lộc, hầu hết các xã được thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn theo chương trình chữ thập đỏ đều đạt hiệu quả tốt. Cùng với các chương trình, dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, ở Thanh Hóa cũng xây dựng các mô hình hoạt động điển hình như: Thành lập, tập huấn hỗ trợ trang thiết bị cho Đội ứng phó nhanhcộng đồng; diễn tập phòng chống thiên tai cấp xã, thôn; xây dựng góc giảm nhẹ rủi ro, thiên tai trong trường học; cập nhật báo cáo, kế hoạch chuyển đổi giảm thiểu rủi ro thiên tai hàng năm…

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh: 22 năm qua, dự án đã được triển khai ở 10 tỉnh, thành phố đạt kết quả tích cực. 24.000 ha rừng ngập mặn đã được trồng, hiện còn sống và có độ che phủ gần 9.000 ha, bảo vệ gần 100km đê biển. Ngoài ra, dự án còn trồng được 103ha tre bảo vệ đê sông và gần 400 ha phi lao bảo vệ ven biển; hỗ trợ xây dựng cộng đồng an toàn-giảm thiểu rủi ro, thảm họa tại 392 xã thông qua việc nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống thiên tai cho chính quyền và người dân...