Hiệu quả kinh tế từ việc tái canh cây cà phê

Tạp Chí Nhân Đạo
Những ngày cuối năm, người trồng cây cà phê tái canh ở khu vực tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng các tỉnh Tây Nguyên chung đang rất vui mừng với mùa cà phê bội thu.

Gặp chúng tôi những ngày cuối năm, ông Lê Văn Nam thôn 6 xã Gào vừa cười, vừa khoe sản lượng cà phê thu hoạch “diện tích vườn cà phê ghép lên đến 10ha của gia đình cho thu nhập bình quân gấp đôi so với việc trồng cà phê giống cũ. Mà nhân của nó cũng to, giá bán lại được".

1
Giống cà phê ghép được người nông dân Gia Lai quan tâm phát triển.

Ông Nguyễn Văn Nam, thôn 4 xã Trà Đa, thành phố Pleiku giới thiệu với chúng tôi mô hình trồng cà phê ghép với diện tích trên 2 ha. Ông cho biết, từ khi biết đến cà phê ghép đến nay ông đã cải tạo vườn cà phê già cỗi của mình. Sau một thời gian, loại cà phê ghép cho năng suất cao hơn hẳn cà phê cũ, đồng thời nhân cũng to hơn, công làm tỉa chồi cành đều giảm.

Những năm gần đây, bà con nông dân xã Trà Đa, thành phố Pleiku đã thực hiện tái canh cà phê khá hiệu quả bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chọn giống tốt, học hỏi các quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật. Nếu như trước đây 1 ha cà phê bình thường giống tốt cho thu bình quân 3,5 tấn nhân, nhưng hiện nay sau 3 năm cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng giống cà phê ghép thì năng suất sau thu hoạch lên đến 7 tấn nhân/ha.

Bà Phan Thị Hoài Thương, Chuyên viên phòng Kinh tế thành phố Pleiku cho biết: Hiện nay nông dân của thành phố đã tái canh được hơn 795ha/3538ha. Sản lượng bình quân đạt 6-7 tấn nhân/ha.

Tính đến hết quý I năm 2017, tỉnh Gia Lai trồng tái canh được hơn 5.700 ha, trong đó có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ia Grai có diện tích tái canh hàng trăm ha. Diện tích tái canh cây cà-phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2016 đạt hơn 8.000/ ha. Trong đó, tỷ lệ tái canh thành công là 85%, diện tích tái canh không luân canh là 10%, luân canh một năm là 30%, luân canh hai năm 60%...

2
Nông dân tham quan loại cà phê ghép cho thu hoạch trên 50kg 1 cây của gia đình ông Lê Văn Nam.

Theo đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 -2020 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Ngày 21-10-2014, nhằm thay thế gần 120 nghìn ha trồng cây cà phê đã già cỗi bằng giống cà phê mới, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của cà phê Việt.

Trong tổng số gần 120 nghìn ha cây cà phê cần tái canh và ghép cải tạo giai đoạn 2014 - 2020, nhiều nhất là tỉnh Lâm Đồng 45.600 ha, tiếp đến là Đắk Lắk 29.600 ha, Đắk Nông 24.500 ha, Gia Lai 17.800 ha, và Kon Tum 2.500 ha.

Quá trình thực hiện tái canh tại tỉnh Gia Lai như các Công ty Ia Sao 1, Ia Sao 2 cho chất lượng vườn cây khá, năng suất bình quân khoảng 15 tấn quả tươi/ha. Điều này đã giúp người nông dân duy trì và bảo đảm vườn cây phát triển ổn định, vừa không làm sụt giảm sản lượng cà phê thu hoạch đột ngột.

Chính nhờ sự hiệu quả của cà phê ghép tái canh mà ngành nông nghiệp Gia Lai đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tái canh cây cà phê, đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng tái canh theo đúng quy trình ban hành; phối hợp với các ngân hàng nông nghiệp cấp huyện hướng dẫn nông dân quy trình thủ tục vay vốn để nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay một cách thuận lợi nhất.                                                                                                                                       

Thế Chiến