Hải Vân Quan được công nhận là Di tích Quốc gia

Tạp Chí Nhân Đạo
Chiều 24/5, tại đỉnh đèo Hải Vân, Lãnh đạo 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.
hai-van-quan-duoc-cong-nhan-la-di-tich-quoc-gia
“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được công nhận là Di tích Quốc gia.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã tới dự và trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Hải Vân Quan cho lãnh đạo hai địa phương theo Quyết định 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017 của Bộ VH – TT&DL.

Tại buổi lễ, UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cùng ký vào bản cam kết phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Hải Vân Quan với 6 điều ghi nhớ; giao cho Sở Văn hóa, Thể thao của hai địa phương làm cơ quan thường trực xây dựng các kế hoạch chi tiết để triển khai hiệu quả bản ghi nhớ; Cùng cắm mốc khoanh vùng bảo vệ Di tích Hải Vân Quan.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH – TT&DL Đặng Thị Bích Liên chia sẻ: “Tôi tin tưởng nơi đây sẽ trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tôi cũng ghi nhận sự hợp tác của lãnh đạo 2 địa phương đã hỗ trợ, cùng nhau tôn tạo, trùng tu và gìn giữ Hải Vân Quan hiện tại cũng như trong tương lai”.

Được biết, Hải Vân Quan nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Công trình Hải Vân Quan được xây dựng từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7 - 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Một bên góc bảng còn ghi thêm “Minh Mệnh thất niên cát nhân tạo”, tức “làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7” (1826).

Bên cạnh đó, đây còn là một trong những công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa quan trọng tại khu vực. Trong thời kỳ Triều đình nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là công trình tuyến phòng thủ, là một điểm kiểm soát qua lại trên đường thiên lý Bắc-Nam và là điểm kiểm soát tàu bè vào ra ở vịnh Đà Nẵng.

Dừng chân ngay dưới đường quốc lộ, leo bộ hơn 30 bậc tam cấp, du khách sẽ gặp cổng thành với 3 chữ Hải Vân Quan. Thành quách xưa giờ vẫn còn nhiều di tích có giá trị, dù không ít trong số đó đã bị phá hủy bởi bom đạn, thời gian và con người.

Hải Vân Quan nằm ở độ cao 500m so với mực nước biển là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công… Đến nay, Hải Vân Quan đã trải qua 191 năm lịch sử (1826 – 2017) với nhiều biến động. Di tích này đã bị chiếm dụng bởi thực dân và đế quốc đồng thời chịu sự tác động rất lớn của bom đạn từ hai cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai thập kỷ Hải Vân Quan tiếp tục xuống cấp trầm trọng do không được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài.