Hà Nội xác định đội ngũ trí thức là lực lượng đưa Thủ đô hội nhập quốc tế

Đặng Thu Hằng
Để triển khai thực hiện Luật Thủ đô, HĐND Thành phố đã ban hành 6 nghị quyết tạo điều kiện để xây dựng đội ngũ trí thức Thủ đô ngày càng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Sáng 3/3, Đoàn khảo sát Trung ương làm việc với Thành uỷ Hà Nội về khảo sát, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 NQ/TƯ ngày 25/8/2008 của Đảng khoá X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” trên địa bàn TP Hà Nội.

Ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn Khảo sát cho biết, Đoàn tập trung trao đổi, làm rõ một số nội dung còn khó khăn vướng mắc bất cập tồn tại hạn chế; chỉ ra bất cập cơ chế chính sách, huy động nguốn lực, chính sách đãi ngộ; Ý kiến cách làm hay sáng tạo; Sử dụng thu hút đội ngũ tri thức nhà khoa học trẻ…

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 NQ/TW, Phó Trưởng ban Thường trực Đinh Thị Lan Duyên cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X được ban hành, Thành uỷ Hà Nội đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt Nghị quyết tới các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn Thành phố đồng thời cụ thể hoá và chỉ đạo thực hiện bằng nhiều nghị quyết, chương trình, chỉ thị, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa; về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức: Thành ủy ban hành 10 Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động và 2 đề án; HĐND Thành phố ban hành 6 Nghị quyết. UBND Thành phố ban hành 6 Kế hoạch, quyết định thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND.

15 năm qua, công tác xây dựng đội ngũ trí thức đã đạt được những kết quả tích cực. Trước những đòi hỏi thực tiễn của quá trình hội nhập, những năm gần đây đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố có chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, được bố trí, sử dụng phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đã và đang thực sự phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ.

Đội ngũ trí thức Thủ đô là nguồn nhân lực có chất lượng cao tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, là nơi tập trung đội ngũ trí thức lớn nhất cả nước với hàng nghìn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ.

UBND thành phố sau 18 năm, đã tuyên dương 1.819 thủ khoa xuất sắc. Tính đến đầu năm 2022, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố gồm: 7.286 công chức, trong đó có 84 tiến sĩ; 121.291 viên chức, trong đó có 317 tiến sĩ. Đội ngũ trí thức Thủ đô thuộc Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Đảng bộ Đại học Quốc gia là nguồn nhân lực có chất lượng cao, tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước...

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố tập hợp trên 50.000 hội viên là những cán bộ khoa học đang công tác tại các cơ quan đơn vị, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội và Trung ương.

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, với tổng số hơn 6.400 hội viên là những văn nghệ sĩ đã nghỉ chế độ và đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của Thành phố và Trung ương; hoạt động sâu trong từng lĩnh vực nghệ thuật, nhiều người trong đó là các chuyên gia hàng đầu, các văn, nghệ sĩ tài năng của Thủ đô và đất nước.

Nhiều trí thức trẻ Thủ đô thể hiện tính năng động, sáng tạo thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Thủ đô và đất nước.

Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với văn nghệ sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, bí thư, hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn về công tác đào tạo nguồn nhân lực; tập hợp ý kiến đóng góp của nhân sỹ, trí thức phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh đó, Thành phố đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách xã hội nhằm xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo, các chế độ đãi ngộ thích đáng đối với trí thức. Đặc biệt, để triển khai thực hiện Luật Thủ đô, HĐND Thành phố đã ban hành 6 nghị quyết tạo điều kiện để xây dựng đội ngũ trí thức Thủ đô ngày càng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Tại buổi làm việc, trao đổi một số vấn đề Đoàn khảo sát đề nghị làm rõ, đại diện Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội nêu một số khó khăn như nhận thức, vai trò, đặc thù của khoa học công nghệ chưa đi vào hết trong cơ chế chính sách. Đặc biệt về cơ chế tài chính mặc dù Hà Nội vận dụng cao nhất những quy định của Trung ương nhưng trên thực tế vẫn có những bất cập; việc thu hút các chuyên gia hợp tác với Hà Nội được các nhà khoa học quan tâm sẵn sàng hợp tác cống hiến dù cơ chế bất cập; Kết quả nghiên cứu đề tài việc chuyển giao ứng dụng cũng vướng mắc dẫn đến những bất cập; thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển được do chưa có tổ chức trung gian thiếu và yếu, vướng mắc về định giá, tính giá; năng suất lao động không cao hơn 1,5 lần cả nước điều đó chứng tỏ khoa khoạ học công nghệ chưa xứng với vai trò của Thủ đô trung tâm khoa học công nghệ lớn của cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, đối với Hà Nội Nghị quyết số 27 có vai trò đặc biệt quan trọng. Trên thực tế, Hà Nội kể cả các cơ quan trung ương số trí thức có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 65% của cả nước, chiếm 65-70% các học viện, trường đại học, cao đẳng của cả nước. Giới văn nghệ sĩ, nghệ nhân chiếm khoảng 60%- nơi hội tụ lực lượng trí thức văn nghệ sĩ, nghệ nhân hùng hậu của cả nước và quốc tế.

Trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, Hà Nội luôn xác định trong các chương trình công tác quan tâm đến phát triển thu hút đội ngũ trí thức… trên địa bàn Hà Nội

Theo ông Nguyễn Văn Phong Nghị quyết 27 với quan điểm đặc biệt 4 nhóm giải pháp về môi trường, chính sách, giáo dục đào tạo, trách nhiệm của trí thức cùng với những nhận định đánh giá về cơ bản còn nguyên giá trị thể hiện tầm nhìn rất xa, rất chính xác về phát triển kinh tế trí thức, về hội nhập quốc tế, vai trò của khoa học công nghệ, lực lượng lao động chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Phong đề nghị phân tích làm rõ hơn những vấn đề còn hạn chế của Hà Nội hiện nay về hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu, không tập trung chưa có trọng điểm.

“Hà Nội đề xuất cần có Nghị quyết giao cho địa phương có điều kiện thực hiện thí điểm một số chính sách liên quan đến chính sách đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế cần cơ chế chính sách quản lý mới; Quan tâm dành thời lượng, giải pháp cho lực lượng trí thức trẻ mới có năng lực, khả năng tiếp cận hội nhập quốc tế khác hẳn các giai đoạn trước nhưng lại ít quan tâm đến lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, văn hoá nghệ thuật nếu không tính toán căn cơ sẽ thiếu hụt đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này”, ông Phong nói.

Phát biểu kết luận, Trưởng Đoàn Khảo sát Trung ương Lại Xuân Môn đánh giá cao Hà Nội triển khai thực hiện nghiêm túc báo cáo tới Ban chỉ đạo sâu sắc công phu khoa học đầy đủ. Nội dung làm việc đươc chuẩn bị chu đáo. “Các ý kiến trao đổi đã làm rõ nhận diện các nội hàm, nội dung, các thành tố… hiệu quả, tồn tại khó khăn, bài học kinh nghiệm những đề xuất kiến nghị sâu sắc. Ban chỉ đạo, tổ biên tập thông qua các ý kiến của Hà Nội có thêm tư liệu, cách tiếp cận mới toàn diện hơn, sâu sắc hơn để bổ sung vào đề án nghị quyết mới đảm bảo tính thực tiễn”- ông Môn nhấn mạnh./.