Giúp các sản phụ ở vùng sâu Gia Lai sinh đẻ an toàn

Nguyễn Diệp Linh
Nhiều sản phụ sinh sống ở khu vực vùng sâu thuộc Gia Lai đã thoát khỏi các quan niệm lạc hậu, tìm đến các cơ sở y tế để 'vượt cạn' một cách an toàn nhất.

Thay đổi để giúp nhiều phụ nữ vùng sâu Gia Lai vượt cạn an toàn

Để giúp người dân trong những ngôi làng vùng sâu, vùng khó khăn được khám thai thường xuyên, sinh tại cơ sở y tế và được chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt nhất, Quỹ MSD (MSD for Mothers), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam và Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã triển khai "Dự án giảm tử vong ở bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Gia Lai".

Lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và UNFPA đến khu vực vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai để khảo sát thực tế và đưa ra các giải pháp hiệu quả giúp thay đổi thói quen trong việc chăm sóc sức khỏe, sinh sản của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và UNFPA đến khu vực vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai để khảo sát thực tế và đưa ra các giải pháp hiệu quả giúp thay đổi thói quen trong việc chăm sóc sức khỏe, sinh sản của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Dự án thực hiện tại 14 xã với các hoạt động như: Hỗ trợ Trạm Y tế xã Đăk Trôi và Đê Ar (Mang Yang) triển khai giám sát, thu thập số liệu để nghiên cứu đánh giá giảm tử vong mẹ; Tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi về làm mẹ an toàn cho 37 cán bộ y tế của tuyến tỉnh, huyện, xã của dự án tại Gia Lai.

Dưới sự hỗ trợ của UNFPA và Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, đã triển khai thử nghiệm mẫu tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, khi sinh đẻ và trẻ sơ sinh cho nhóm đồng bào dân tộc thiểu số (người Jrai) tại xã HBông của huyện Chư Sê… Bên cạnh đó, địa phương đã tiếp nhận hàng loạt trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân, tài liệu truyền thông do Bộ Y tế và UNFPA cấp để phân bổ cho các cơ sở ở Gia Lai.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục có những giải pháp, sáng kiến hiệu quả để hỗ trợ cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục có những giải pháp, sáng kiến hiệu quả để hỗ trợ cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai, việc phụ nữ thích tự đẻ tại nhà còn tồn tại trong một số ngôi làng ở vùng sâu, vùng khó khăn, lý do là họ ngại tiếp xúc với người khác, sợ người khác thấy mình trong lúc sinh đẻ. Muốn thay đổi được thói quen này, cần phải chú trọng đến truyền thông hộ gia đình - nghĩa là tuyên truyền các biện pháp chăm sóc sức khỏe, sinh sản tốt nhất đến từng hộ gia đình cùng một số giải pháp phát triển hệ thống cô đỡ thôn bản. "Dự án giảm tử vong ở bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Gia Lai" đã giúp địa phương rất nhiều trong việc thay đổi thói quen trong chăm sóc sức khỏe sinh sản không ít phụ nữ vùng sâu.

Giúp sản phụ làm mẹ an toàn

Để giúp nhiều hơn nữa những bà mẹ sinh đẻ an toàn, từ nay đến hết năm 2023, Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) sẽ triển khai tiếp nhiều hoạt động giúp Gia Lai như: Đào tạo giảng viên về truyền thông thay đổi hành vi về làm mẹ an toàn khi sinh, theo dõi tình hình sức khỏe bà mẹ và tiến độ triển khai các can thiệp của dự án...

Từ sự hỗ trợ của UNFPA, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cũng sẽ tổ chức chiến dịch khám phát hiện nhiễm khuẩn đường sinh sản và kết hợp thực hiện truyền thông kế hoạch hóa gia đình cho khoảng 2.800 phụ nữ người dân tộc thiểu số. Đào tạo cầm tay chỉ việc cho các nhân viên/cán bộ phẫu thuật sản khoa nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về cung cấp dịch vụ hồi sức cấp cứu sản khoa, phẫu thuật sản khoa... Tổ chức truyền thông tư vấn về chủ đề sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho 500 học sinh người dân tộc thiểu số...

Sản phụ Ther (Mang Yang, Gia Lai) đã đến cơ sở y tế để được sinh đẻ một cách tốt nhất

Sản phụ Ther (Mang Yang, Gia Lai) đã đến cơ sở y tế để được sinh đẻ một cách tốt nhất

Vui mừng vì "mẹ tròn con vuông" tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, sản phụ Ther (Mang Yang, Gia Lai) thổ lộ, được sinh ở cơ sở y tế hoàn toàn an tâm, được chăm sóc tốt, hướng dẫn cách chăm con một cách khoa học.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: "Qua khảo sát thực tế cho thấy, "Dự án giảm tử vong ở bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Gia Lai" đã dần đi vào đời sống, có nhiều chuyển biến tích cực từ người dân. Dự án sẽ tiếp tục có những giải pháp, sáng kiến hiệu quả để hỗ trợ cho tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh triển khai dự án ở Việt Nam nói chung trong thời gian tới để hướng đến đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng để ngăn chặn tối đa tình trạng tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số".

Hà Đạo