Giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng

Tạp Chí Nhân Đạo
Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam” triển khai đã góp phần tăng cường năng lực của người dân các vùng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương và các đối tác địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro và ứng phó thảm họa.

 

giam-thieu-rui-ro-tham-hoa-dua-vao-cong-dong
Tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn.

Với mục tiêu giúp người dân vùng Tây Bắc tiếp cận đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để chủ động giữ an toàn tính mạng và tài sản khi có thiên tai, thảm họa, Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam” do Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Hội CTĐ Mỹ và Quỹ Ready Fund tài trợ từ năm 2014 đã góp phần tăng cường năng lực của người dân các vùng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương và các đối tác địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro và ứng phó thảm họa.

Dự án có tổng kinh phí hơn 39 tỷ đồng, triển khai trong 42 tháng tại 12 xã, phường của 2 tỉnh Tây Bắc Việt Nam là Lai Châu và Sơn La. Trong đó, tỉnh Lai Châu triển khai tại các xã Bản Bo, Khun Há (huyện Tam Đường); xã Khoen On, Ta Gia, Mường Kim (huyện Than Uyên) và phường Quyết Tiến (TP.Lai Châu). Trong 3 năm qua, Dự án tập trung vào các hoạt động như: tập huấn nâng cao kiến thức về thảm họa, tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, cung cấp các trang thiết bị an toàn cho cộng đồng; diễn tập phòng ngừa, ứng phó thảm họa tại cộng đồng, trường học…

Mục tiêu của Dự án là tăng cường năng lực của người dân các vùng dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu rủi ro và ứng phó thảm họa thông qua phương pháp tiếp cận có sự tham gia, có thể nhân rộng và nhạy cảm giới. Sau khi triển khai, Dự án hướng đến kết quả cải thiện năng lực của Hội CTĐ Việt Nam, các cơ quan chức năng tại địa phương trong việc triển khai các hoạt động quản lý rủi ro và ứng phó với thảm họa có lồng ghép giới tại các tỉnh mục tiêu; các cộng đồng dễ bị tổn thương tại địa bàn mục tiêu có khả năng giảm thiểu rủi ro cho mình thông qua quy trình lập kế hoạch và hành động; các trường học trong địa bàn mục tiêu được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với thảm họa như: Sơ cứu ban đầu và tìm kiếm cứu nạn cho giáo viên, tập huấn mô hình trường học an toàn; bài học kinh nghiệm. Sở dĩ Dự án có thêm phần về giới là do định kiến về giới trong xã hội, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế như: nạn buôn bán người, bạo lực giới…

Sau hơn 3 năm thực hiện (4/2014-6/2017), trên 80.000 lượt người, trong đó có trên 50.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động nâng cao năng lực, cải thiện cơ sở vật chất về công tác phòng chống thiên tai, thảm họa. Trong đó, đã đào tạo được 60 tập huấn viên quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, sơ cấp cứu và Đội cộng đồng ứng phó với thảm họa; thành lập và tập huấn 24 thành viên đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh; 297 cán bộ cấp xã được tập huấn quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Thành lập, cung cấp trang thiết bị và tập huấn cho 296 thành viên thuộc 12 đội Cộng đồng ứng phó với thảm họa; Tổ chức truyền thông về giới và phòng ngừa với thiên tai thảm họa 552 cuộc với sự tham gia của 15.060 người dân; Tổ chức 18 cuộc diễn tập ứng phó thiên tai thảm họa với 1.525 người tham dự và thực hiện 25 tiểu dự án với trên 3.000 người hưởng lợi; Tập huấn cho 48 giáo viên tiểu học về kiến thức phòng ngừa thảm họa và trường học an toàn; Tập huấn sơ cấp cứu cho 288 giáo viên…

Trong khuôn khổ Dự án, người dân ở các địa phương được tham dự Hội thi Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai có lồng ghép giới. Đặc biệt mới đây, Ban Quản lý dự án phường Quyết Tiến, TP.Lai Châu đã tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm họa. Tham dự Hội thi này, 8 đội đến từ các tổ dân phố trên địa bàn phường Quyết Tiến đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tự trang bị những kiến thức quan trọng về phòng ngừa, ứng phó với thảm họa. Thông qua 3 phần thi Chào hỏi, Lý Thuyết và Tiểu phẩm, các đội đã khéo léo lồng ghép việc giới thiệu về địa phương, những điểm khái quát về tình hình thiên tai diễn ra trên địa bàn và những kết quả quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai của địa phương. Ngoài trả lời xuất sắc những câu hỏi của Ban Tổ chức đưa ra, các đội đã đem đến Hội thi những tiết mục, tiểu phẩm có ý nghĩa sâu sắc lên án những hành vi phá hoại môi trường sống, gây ô nhiễm môi trường, phá hoại rừng đầu nguồn… Qua đó, đã giúp người dân tham dự hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phòng ngừa và chủ động ứng phó với thiên tai, thảm họa; trang bị thêm những kiến thức cơ bản trong xử lý tình huống khi thiên tai, thảm họa bất ngờ xảy ra; cũng như nâng cao trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ môi trường sống, chống biến đổi khí hậu…

* Ngày 20/6/2017, tại xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đã diễn ra buổi diễn tập phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm họa với sự tham gia của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn xã và đông đảo nhân dân trên địa bàn, với các tình huống giả định.

Ông Eric Legendre, Trưởng đại diện Hội CTĐ Pháp tại Việt Nam, cho biết, mặc dù trời mưa to, điều kiện thời tiết khó khăn, nhưng buổi diễn tập đã diễn ra rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta không nên coi đây là một cuộc diễn tập chỉ trong một lần, mà chúng ta phải làm đi làm lại nhiều lần, để khi có tình huống khẩn cấp trên thực tế xảy ra, chúng ta mới ứng phó tốt được. Ông Eric đề nghị chúng ta nên tập trung vào phòng ngừa trước khi thảm họa xảy ra, việc làm đó sẽ giúp tiết kiệm hơn, kinh tế hơn và an toàn hơn so với việc bỏ tiền ra ứng phó với thảm họa xảy ra rồi. Phòng ngừa thiên tai là một sự đầu tư, ví dụ như mình chỉ cần bỏ ra 1 đồng để chuẩn bị cho công tác phòng ngừa sẽ tiết kiệm hơn so với việc phải bỏ ra 5 đồng cho công tác ứng phó trên thực tế.

Đánh giá tác động đối với các địa phương được hưởng Dự án, ông Cứ A Sở, Chủ tịch UBND xã Khun Há, nhận định: Sau thời gian thực hiện cho thấy, từ chỗ cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân chưa nhận thức đúng về nguy cơ thảm họa, mức độ nguy hiểm của thiên tai thì nay đã có sự nhận biết, đánh giá xây dựng kế hoạch hàng năm cũng như đưa công tác phòng ngừa thảm họa vào báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người dân các xã Khoen On (huyện Than Uyên), Khun Há (huyện Tam Đường) trước đây làm nhà ven bờ suối, khu vực dễ xảy ra sạt lở, nhưng sau khi được tập huấn, tuyên truyền đã di chuyển đến các địa điểm khác an toàn hơn. Đồng thời, họ cũng nhận biết được những vị trí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng vào mùa mưa để phòng tránh.

Với những ý nghĩa thiết thực mà Dự án mang lại, mong rằng trong những mùa mưa tới, các đơn vị thụ hưởng sẽ vận dụng linh hoạt những kiến thức, kỹ năng thu thập được để tự bảo vệ mình trước thảm họa, thiên tai.