Đường hoa Nguyễn Huệ qua 16 mùa xuân hiện diện

Tạp Chí Nhân Đạo
Mỗi dịp Xuân về, một công trình văn hóa - du lịch có ý nghĩa của TP.Hồ Chí Minh đó là Đường hoa Nguyễn Huệ. 16 năm qua đã mang lại sự rực rỡ cho thành phố, đồng thời cũng là địa chỉ vui chơi của nhiều người dân thành phố, khách phương xa, Việt kiều về nước và cả nhiều du khách nước ngoài.

Đường hoa Nguyễn Huệ được trang hoàng thành một đường hoa rực rỡ vào mỗi dịp Tết cổ truyền Việt Nam - Tết Nguyên đán, dành cho khách bộ hành du xuân thưởng ngoạn. Được bắt đầu từ tết Giáp Thân - năm 2004, con đường mang tên Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp nhất của TP.HCM, thuộc phường Bến Nghé, quận 1, kéo dài từ trước trụ sở UBND thành phố đến bến Bạch Đằng.

nguyen-hue
Nhìn toàn cảnh đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi 2019 có chủ đề TP HCM – Khát vọng vươn xa.

Mỗi năm một chủ đề khác nhau, như năm 2009 chủ đề chính đường hoa Nguyễn Huệ là “Vững tin”, thể hiện sự vững vàng vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, hướng TP.HCM đến nền kinh tế phát triển ổn định. Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Sửu 2009 được chia thành 7 phân khu, chuyển tải những ý nghĩa khác nhau: Khởi nguồn, nghị lực, sáng tạo, tiến bước, đoàn kết, nguồn cội và vững tin, với các tiểu cảnh gắn với những hình ảnh quen thuộc của thôn quê Việt Nam: Con trâu, làng quê với nghề nông... Lúc này còn bùng binh cây liễu, bước vào đầu đường Nguyễn Huệ, du khách thấy cảnh bài trí hình ảnh quê hương với con trâu, bến nước, thể hiện cánh đồng quê, suối chảy róc rách, cầu tre lắt lẻo... Cuối đường hoa Nguyễn Huệ (đoạn gần bến Bạch Đằng) là một đồi dưa hấu có khắc hình Mai An Tiêm.

nguyen-hue-2
Vị trí trung tâm cổng chào là đại gia đình Hợi với 9 thành viên cùng nhau đi chơi Tết, sắm Tết

Đường hoa Tết Tân Mão 2011 thể hiện những phấn đấu nỗ lực của thành phố để đạt được thành quả cao hơn về kinh tế, chính trị, xã hội. Các phân đoạn trang trí trong đường hoa chuyển tải những chủ đề như: Hồn Việt, Tết phương Nam, Nối vòng tay lớn, Vươn lên tầm cao mới, Xuân an vui, Hoa Xuân ca, Vào mùa và Vườn Xuân.

Vào năm 2014, đường hoa có nét mới, đó là có thêm khu triển lãm nghệ thuật sắp đặt rau – củ – quả và cũng dành một khu để nhắc nhở người dân biết đến biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến đời sống con người chúng ta, đó là cụm cảnh cây khô cằn, sỏi đá. Ngoài ra, để cổ động cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới, bộ nhạc cụ gồm đàn tì bà, đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu của môn nghệ thuật này được mô phỏng với kích thước khổng lồ và trình bày.

Vào năm 2015 - Tết Ất Mùi,  vì khu vực đường Nguyễn Huệ đang thi công xây dựng đường xe điện Metro và phố đi bộ, đường hoa dời đến đường Hàm Nghi, gần chợ Bến Thành, có chủ đề Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam. Kéo dài từ ngày 16/2/2015 (28 Tết) đến ngày 22/2 (mùng 4 Tết) với 120.000 giỏ hoa tươi từ Sa Đéc, Đà Lạt... đưa về tạo dáng, với ruộng lúa và bụi tre và hình những đàn dê. Chỉ một lần tạm dời đến đường Hàm Nghi.

Tết Bính Thân 2016: TP.HCM – hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Đường hoa  trở lại vị trí cũ, là đại lộ Nguyễn Huệ (nay là Phố đi bộ Nguyễn Huệ). Năm này, Đường hoa được chia làm 3 phân đoạn chính: Đoàn kết - hòa bình, năng động - sáng tạo và hội nhập - thịnh vượng.

nguyen-hue-1
Bối cảnh hoa mai và bánh chưng - Xuân Đinh Dậu 2017 thể hiện sung túc đủ đầy

Tết năm Đinh Dậu 2017, Đường hoa của Sài Gòn năm nay sẽ kéo dài từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng dọc theo phố đi bộ Nguyễn Huệ với tổng chiều dài khoảng 720m. Đường hoa sẽ được chia làm 3 phân đoạn chính: Phân đoạn Mùa xuân trên thành phố mang tên Bác; Phân đoạn thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình; Phân đoạn Khát vọng ngời sáng.

Đến Tết Mậu Tuất 2018, có chủ đề: Khát vọng vươn cao. Đường hoa Nguyễn Huệ năm này kéo dài từ ngày 13/2/2018 (28 tháng Chạp) đến 19/2/2018 (mùng 4 Tết). Đường hoa tổng chiều dài 720m với 3 phân đoạn chính thể hiện: Mùa xuân thành phố, Hội nhập và phát triển, Vươn tới tương lai. Dịp Tết năm này trùng với ngày lễ Tình nhân nên đường hoa trang trí các cặp chó làm từ cây và hoa đa sắc màu, dọc các luống hoa là chú trâu nước dầm mình trong nước, kế đó là gia đình nhà vịt bơi lội, thể hiện cảnh thanh bình kết quả của tình yêu giữa người và người cũng như tình yêu cho thiên nhiên và cho cả loài vật.

Năm nay, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi 2019 có điểm đặc biệt là sự xuất hiện của 9 chú heo đất nghĩa tình. Những chú heo đỏ trên lưng mang họa tiết mai vàng và biểu tượng đồng tiền để kêu gọi khách du xuân: “Tết làm điều hay, chung tay đóng góp cho học sinh nghèo TP.HCM.” Đây là lần thứ 16 liên tiếp đường hoa được tổ chức (bắt đầu từ năm 2004) nhằm đón chào Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc tại TP.HCM. Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Khát vọng vươn xa” trên tổng chiều dài 720m sẽ khoác lên mình chiếc áo mùa xuân rực rỡ, với những đại cảnh, tiểu cảnh được sắp đặt đầy tính nghệ thuật đan xen với công nghệ, hòa quyện giữa những lăng kính huyền ảo, độ sóng sánh của nước và sắc màu của ánh sáng sắp được trình diễn, khoe sắc màu mới của mùa xuân thanh bình trên đất nước chúng ta. 

Một công nhân làm đường hoa chia sẻ: “Tôi đón Tết ở Sài Gòn cũng được mười mấy năm rồi. Lấy lộc “hên”, cứ vào ngày mùng 1 đầu năm mới, tôi đưa cả gia đình vui chơi, tại đường hoa Nguyễn Huệ. Khi đang làm công trình này cũng có nhiều người dân đi ngang qua, hay sống gần ở đây hàng ngày đều hỏi thăm, chia sẻ vất vả với các công nhân chúng tôi. Tôi thấy rất vui và ấm lòng, vì chính mình cũng có phần đóng góp mang vẻ đẹp mùa xuân đến cho mọi người”.

nguyen-hue-3
Người dân hòa cùng du khách trên đường hoa Nguyễn Huệ.

Chị Nguyễn Thanh Mai, từ Bến Tre, chị chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, đường hoa Tết được chuẩn bị kỹ càng. Đường hoa Nguyễn Huệ đã in sâu vào tâm trí người dân Sài Gòn và ở các tỉnh khác như tôi đây, nó là biểu tượng để người dân cảm nhận được cái Tết, Tết là phải rực rỡ. Cũng hoa, cũng cảnh, cũng màu sắc, nhưng mỗi năm mỗi khác, điểm chung là vẫn có đường hoa để chơi Tết, rộn ràng, tôi vui lắm khi đến đây ngoạn cảnh, chụp hình”.

Ông Nguyễn Tài (50 tuổi, Việt kiều Mỹ về nước ăn Tết) bày tỏ: “Ngắm hàng cây nở hoa mùa xuân tại đường Nguyễn Huệ mà lòng lâng lâng. Thật sự là do con đường này chứa nhiều kỷ niệm trong đời tôi vào thuở thiếu thời. Cũng nơi đây vào những năm trước, còn mẹ, mẹ tôi rất mong muốn về Việt Nam để đón Tết và thăm lại quê hương. Tôi đưa mẹ về mỗi năm một lần, và năm nào bà cũng muốn đi chơi Đường hoa cho được, nơi đây cũng chính là nơi hàn gắn sự yêu thương trong gia đình tôi. Khi về Mỹ, nhìn lại những tấm hình đã chụp, tôi rất vui vì người và cảnh đều đẹp, trang hoàng công phu của những người thợ, họ làm vất vả cho du khách có một quang cảnh ấm áp, đoàn viên của mùa xuân vĩnh cữu trên quê hương Việt Nam, mỗi ngày mỗi tốt lành hơn”.

Cứ mỗi độ xuân về, đường hoa Nguyễn Huệ lại được mở ra đón khách với từng chủ đề, ý tưởng khác nhau. Giữa lòng thành phố lại có ao sen với vó câu, dòng kênh với cầu khỉ chênh vênh, đường làng quê với xe thổ mộ và quán cóc bên đường, những gánh hàng hoa hay thuyền hoa, rồi cả những cần xé trái cây của một vùng đất Nam Bộ trù phú, màu mỡ cùng những đồng lúa, nương bắp thân quen… đem lại cho chúng ta và du khách cảm giác thích thú mà ấm áp, mới lạ mà gần gũi.

Ngọc Huệ - Thiên Vũ