Động đất 3,6 độ Richter ở Điện Biên

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Vào lúc 3h29'17 (giờ Hà Nội) ngày 10/8, một trận động đất mạnh 3,6 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 22.241 độ vĩ Bắc, 102.262 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km, xảy ra tại khu vực huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

100820221v-1660100500806881983655-1660112123.png

Bản đồ chấn tâm động đất sáng 10/8 tại Điện Biên

Cấp độ rủi ro thiên tai: 0. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Trước đó, ngày 17/7, tại Tủa Chùa, Điện Biên cũng xảy ra động đất với độ lớn 3,2 độ Richter.

Theo đánh giá của Viện Vật lý Địa cầu, đây là trận động đất nhỏ, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, động đất ở khu vực Tây Bắc được đánh giá là diễn ra mạnh nhất ở Việt Nam. Trong đó, tỉnh Điện Biên đã từng xảy ra những trận động đất lớn như: Động đất năm 1935 cường độ 6,75 độ Richter, động đất ở Tuần Giáo năm 1983 cường độ 6,8 độ Richter gây thiệt hại lớn về người và tài sản...

Là khu vực thường xuyên có các khối đứt gãy dịch chuyển nên Điện Biên thường phải hứng chịu những trận động đất nhỏ và vừa. Theo các chuyên gia, việc xuất hiện đứt gãy ở một địa điểm, vị trí nào đó không phải là ngẫu nhiên, mà thường chỉ ở những nơi xung yếu nhất của vỏ Trái đất. Một đứt gãy xuất hiện không phải ngay lập tức, mà là cả một quá trình dài, có khi hàng triệu, hàng trăm triệu năm. Do vậy việc xuất hiện các trận động đất nhỏ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đến nay, vẫn rất khó để dự báo được chính xác thời điểm xảy ra động đất. Các nhà khoa học chỉ có thể dự báo được độ lớn của động đất. Ngay cả Nhật Bản là một nước thường xuyên xảy ra động đất, các nhà khoa học cũng không dự báo được thời điểm xảy ra động đất. Hiện Ấn Độ mới dự báo được một số vụ động đất kích thích không phải tự nhiên.

Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới thường nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá được mức độ lớn của động đất, đồng thời tập trung tìm các biện pháp giảm nhẹ hậu quả động đất, ưu tiên nghiên cứu xây dựng những công trình có khả năng chịu động đất cao, cũng như huấn luyện cho người dân kỹ năng tồn tại và sống sót sau thảm họa…

Ông Nguyễn Xuân Anh đề nghị cần có các nghiên cứu sâu hơn và cập nhật hơn về phân vùng rủi ro động đất cho các địa phương nhằm cập nhật và bổ sung bản đồ kháng chấn trên cả nước. Từ đó, có khuyến cáo mới nhất cho các địa phương trong vấn đề xây dựng công trình cũng như các biện pháp giảm thiểu rủi ro.