Chủ tịch nước, Thủ tướng gửi điện chia buồn vụ sập cầu treo ở Ấn Độ

Đặng Thu Hằng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn đến các lãnh đạo Ấn Độ sau khi vụ sập cầu xảy ra ngày 30/10 tại bang Gurajat, Ấn Độ khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao chiều 31/10, được tin vụ sập cầu xảy ra ngày 30/10 tại bang Gurajat, Ấn Độ khiến nhiều người thiệt mạng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu. Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện chia buồn tới người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã gửi lời chia buồn đến người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar thông qua mạng xã hội Twitter. "Chúng tôi hy vọng sẽ sớm tìm thấy an toàn những người đang mất tích sau sự việc", ông Sơn viết.

an-do-morbi-gujarat-311022-reuters-16671887402151697736127-1667215980.jpeg
Người dân tụ tập bên bờ sông trong khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau thảm kịch sập cầu ở thị trấn Morbi, bang Gujarat, Ấn Độ ngày 31/10. (Ảnh: Reuters)

Vụ sập cầu xảy ra chiều tối 30/10, dây cáp của cầu treo bị đứt khi gần 500 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đang có mặt ở khu vực cầu để hành lễ trong dịp Lễ hội tôn giáo Diwali.

Thủ tướng Narendra Modi đã thị sát bang Gujarat sau thảm kịch, đồng thời thông báo chính quyền sẽ hỗ trợ 4 lakh rupee (khoảng 4.860 USD) cho thân nhân của mỗi người thiệt mạng và 50.000 rupee (khoảng 600 USD) cho mỗi người bị thương trong vụ này.

Cây cầu treo này dài 233m và rộng 1,5m, được làm bằng vật liệu nhập từ Anh và được khởi công xây dựng từ thế kỷ 19. Đến nay đã có tuổi đời lên tới 150 năm. Cầu treo này đã ngừng hoạt động để tu sửa trong 6 tháng qua và mới được mở cửa hoạt động trở lại hôm 26/10, tuy nhiên cầu chưa có giấy chứng nhận an toàn.

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ phải chứng kiến thảm kịch đau lòng liên quan đến sập cầu này. Vào năm 2016, vụ sập cầu vượt trên một con phố đông đúc ở phía đông thành phố Kolkata đã giết chết ít nhất 26 người. Trước đó, năm 2011, ít nhất 32 người thiệt mạng khi một cây cầu chật kín người tham gia lễ hội sập gần thị trấn Darjeeling ở đông bắc Ấn Độ.

Thu Hằng