Điện Biên Đông: Từng bước vươn mình trở thành địa phương tiêu biểu của vùng núi Tây Bắc

Đặng Thu Hằng
Điện Biên Đông là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Huyện có 14 xã, thị trấn với 60.511 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc: Mông, Thái, Lào, Khơ Mú, Sinh Mun và Kinh. Trong năm 2022, nhờ những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả từ Đảng, Nhà nước, huyện Điện Biên Đông đã có những cải thiện đáng kể điều kiện sản xuất và đời sống cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

khung-canh-tuyet-dep-mua-lua-vang-o-huyen-dien-bien-dong-anh-ttxvn-1674399244.jpeg
Khung cảnh tuyệt đẹp mùa lúa vàng ở huyện Điện Biên Đông. (Ảnh: TTXVN)

Về tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp huyện đã nhận được sự quan tâm và những chỉ đạo tích cực. Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt toàn huyện đạt 13.508,4 ha và tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 33.828,6 tấn, đạt 103,4% chỉ tiêu nghị quyết giao; lương thực bình quân đạt 478,4 kg/người/năm, đạt 103,5% chỉ tiêu nghị quyết giao. Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi, duy trì tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; qua đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định và không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Về tình hình dịch bệnh năm 2022, dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Đến nay, huyện Điện Biên Đông đã triển khai 36 đợt tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 với tỷ lệ tiêm cho các đối tượng 5 tuổi trở lên mũi 1 đạt 99,7%, mũi 2 đạt 93,2%, tiêm nhắc lại lần 1 đạt 81,2%, tiêm nhắc lại lần 2 đạt 99,6%.

Về hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cụ thể: nông lâm, thủy sản chiếm 60,37%, giảm 4,25%; công nghiệp và xây dựng chiếm 16,27%, tăng 1,02%; dịch vụ chiếm 23,36%, tăng 3,23% so với năm 2021. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện ước đạt 2.791 tỷ đồng, tăng 556 tỷ đồng so với năm 2021, trong đó: nông lâm, thủy sản đạt 1.685 tỷ đồng; công nghiệp và xây dựng đạt 454 tỷ đồng; dịch vụ đạt 652 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 25,6 triệu đồng/người/năm, đạt 106,7% chỉ tiêu nghị quyết giao.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em được chú trọng triển khai. Trong năm 2022, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19; duy trì Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế tại 13/13 xã trên địa bàn huyện, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết giao.

Chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người nghèo được thực hiện tốt. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề được chú trọng, kết quả: đã đào tạo nghề cho 812 lao động nông thôn, đạt 116% chỉ tiêu nghị quyết giao; đến 14/11,tạo việc làm mới cho 731 lao động, đạt 130,5% chỉ tiêu nghị quyết giao (trong đó: xuất khẩu lao động 54 lao động, đạt 540% chỉ tiêu nghị quyết giao); số lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh là 3.220 lao động, đạt 107,3% chỉ tiêu nghị quyết giao, trong đó đi lao động có tổ chức 459 lao động, đạt 102% chỉ tiêu nghị quyết giao.

Tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bản huyện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 giảm 5,47% (từ 53,20% năm 2021 xuống còn 47,73% năm 2022), đạt 109,4% chỉ tiêu nghị quyết giao. Huyện cũng đã chỉ đạo hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 1.130 ngôi nhà cho các hộ nghèo được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

lang-ban-cua-nguoi-dan-toc-mong-o-huyen-dien-bien-dong-rai-rac-tren-cac-suon-doi-anh-xuan-tu-ttxvn-1674399244.jpeg
Làng bản của người dân tộc Mông ở huyện Điện Biên Đông rải rác trên các sườn đồi. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Đặc biệt trong thời gian gần đến Tết Nguyên đán Quý Mão, các chương trình, phong trào nhân đạo được tổ chức trên địa bàn huyện thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của UBND huyện, của Hội Chữ thập đỏ huyện để mang đến cho bà con khó khăn trên địa bàn một cái Tết ấm no. Trong số đó phải kể đến chương trình “Tết nhân ái vùng cao” do Sư cô Thích Nữ Phổ Chiếu (Trụ trì chùa Viên Quang) khởi xướng. Chương trình nhằm mục đích trao yêu thương tới trẻ em xã Phình Giàng đã đưa tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm đến với bà con xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông. Với tổng kinh phí 100 triệu đồng, các nhà hảo tâm đã tặng một số tiền động viên cũng như các vật dụng thiết yếu như chăn, màn, áo ấm, lương thực thực phẩm để giúp các em nhỏ ở huyện vùng cao này có thể vượt qua cái rét cắt da cắt thịt ở vùng núi Tây Bắc này.

Năm 2023 dự báo huyện vùng núi này bên cạnh những tín hiệu vui sẽ còn rất nhiều thách thức, những diễn biến khó lường cả về tình hình chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, hoàn thành dự án, công trình thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở, giao thông, điện lưới phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện.

Mạnh Linh