Điểm sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện

Đặng Thu Hằng
3 tháng/lần anh Nguyễn Thành Vinh, công tác tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lại “canh” ngày giờ, địa điểm của đợt tiếp nhận hiến máu lưu động do Hội Chữ thập đỏ tỉnh đăng tải trên trang Facebook của Hội và Báo Đồng Nai để đi hiến máu.

Bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh (thứ hai từ trái sang) tuyên truyền về hiến máu tình nguyện với người dân tại đợt tiếp nhận hiến máu lưu động diễn ra tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: Sông Thao

Thói quen hiến máu tình nguyện của anh Vinh góp phần đưa Đồng Nai trở thành một trong 5 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về phong trào hiến máu tình nguyện.

Tích cực tham gia hiến máu

Hiện số người hiến máu nhắc lại (duy trì hiến máu sau lần hiến máu đầu tiên) tại Đồng Nai đạt 85%. Con số này cao hơn 30% so với mức trung bình của cả nước. Đồng thời, mỗi năm tỉnh được Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện quốc gia giao chỉ tiêu tiếp nhận từ 33.000-37.000 đơn vị máu (chỉ tiêu này cao thứ 5/63 tỉnh, thành).

Những con số trên cho thấy người dân Đồng Nai rất tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Qua đó, có thể nói hiến máu tình nguyện đã trở thành một trong những thói quen sinh hoạt trong cuộc sống của rất nhiều người.

Ngày 31/7 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Phong (xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) hoàn thành lần hiến máu thứ 49. Ông Phong chia sẻ: “Mỗi năm tôi hiến máu tình nguyện từ 3-4 lần tùy vào sức khỏe. Hơn 10 năm qua, hiến máu tình nguyện như một sinh hoạt định kỳ hàng quý của tôi. Mỗi lần hiến máu tình nguyện, tôi thấy đã góp thêm một việc làm tốt vào cuộc sống. Quà tặng mỗi lần hiến máu là sữa, thú bông được tôi tặng lại cho các cháu nhỏ trong xóm”.

Bệnh viện Chợ Rẫy vừa khen thưởng 4 tập thể của Đồng Nai đạt thành tích nổi bật trong công tác hiến máu tình nguyện gồm: Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ TP.Biên Hòa và 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch.

Không chỉ một mình hiến máu, mỗi khi có lịch tiếp nhận hiến máu tình nguyện diễn ra trên địa bàn huyện, ông Phong thông báo cho bạn bè, người thân để cùng tham gia.

Tương tự, giáo dân Trần Đức Hà (xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) đã có hơn 30 lần hiến máu tình nguyện. Ông Hà cho hay, 10 năm qua, ông duy trì hiến máu 3 lần/năm. Ông cùng các giáo dân khác trong xóm thường xuyên tìm hiểu về thời gian, địa điểm tổ chức tiếp nhận hiến máu tình nguyện ở địa phương để tham gia. Đôi khi đã đủ thời gian giãn cách giữa 2 lần hiến máu mà xã nhà chưa có lịch tiếp nhận máu, ông cùng bạn bè di chuyển đến những xã lân cận cách đó từ 10-15km để hiến máu tình nguyện.

“Nói là thói quen cũng đúng nhưng chính xác hơn là cái tâm của mỗi người đều muốn làm việc gì đó tốt cho cộng đồng. Vì vậy khi có đủ sức khỏe, thời gian phù hợp là tôi cùng bạn bè lại tham gia hiến máu” - ông Hà bộc bạch.

Người dân tham gia hiến máu tình nguyện tại đợt tiếp nhận hiến máu lưu động diễn ra tại TP.Biên Hòa

Người dân tham gia hiến máu tình nguyện tại đợt tiếp nhận hiến máu lưu động diễn ra tại TP.Biên Hòa.

Không chỉ cá nhân mà nhiều trường hợp cả nhà cùng hiến máu tình nguyện với số lần rất cao. Trong đó, gia đình bà Vũ Thị Diệp (xã Phú Ngọc, H.Định Quán) hiến máu trên 100 lần; gia đình ông Dương Công Khoan (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) hiến máu trên 70 lần… là những trường hợp được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tuyên dương gia đình hiến máu tiêu biểu.

Chủ động tìm người hiến máu

Cùng với những kết quả tích cực kể trên, hiến máu tình nguyện tại Đồng Nai cũng như các địa phương trong cả nước gặp phải nhiều trở ngại cần khắc phục.

Trước tiên, người hiến máu mới hàng năm có tỷ lệ thấp với chỉ 5,2%. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn máu dự trữ trong điều trị bệnh. Bởi theo BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, năm 2023, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy (Bệnh viện Chợ Rẫy) tiếp tục phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức 180 đợt tiếp nhận hiến máu tình nguyện. Số máu sau khi tiếp nhận không chỉ được sử dụng trong tỉnh mà sau khi xử lý còn luân chuyển đến một số địa phương.

Ngoài ra, y bác sĩ Việt Nam ngày càng làm chủ nhiều phương pháp điều trị các loại bệnh phức tạp. Do đó, nếu trước đây người bệnh phải ra nước ngoài điều trị thì nay hoàn toàn có thể chữa trị trong nước. Điều này kéo theo nhu cầu về máu cùng các chế phẩm từ máu cũng tăng lên.

Người dân kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu tại chiến dịch hiến máu tình nguyện Những giọt máu hồng hè năm 2023

Người dân kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu tại chiến dịch hiến máu tình nguyện Những giọt máu hồng hè năm 2023.

Bên cạnh đó, mỗi năm Đồng Nai tổ chức 180 lần tiếp nhận máu lưu động. Song chế độ dành cho người làm công tác hiến máu tình nguyện ở tỉnh cũng cào bằng như những địa phương số lượng thấp. Tuy là tỉnh có số người tham gia hiến máu lớn song tất cả các công đoạn tiếp nhận thông tin, cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, đối chiếu số lần hiến máu đều rất thủ công. Thêm vào đó, việc tuyên dương cá nhân, gia đình, tập thể hiến máu tình nguyện tiêu biểu từ trung ương chưa được thực hiện thường xuyên.

Từ thực tế này, theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, năm 2023, hội chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã chủ động “tìm” người hiến máu thay vì bị động ngồi chờ người dân đến cho máu trong từng đợt tiếp nhận máu lưu động.

Cụ thể, ngoài tuyên truyền, vận động người dân ở địa bàn dân cư, người lao động tại các đơn vị công lập, hội chữ thập đỏ các cấp còn thực hiện những đợt tiếp nhận máu dành cho đối tượng cụ thể. Trong đó, hội chữ thập đỏ các cấp đã đưa chương trình hiến máu vào các đơn vị quân đội, công an đóng chân trên địa bàn. Tuy số lượng chưa nhiều song bước đầu đã có sự phối hợp tổ chức định kỳ giữa các đơn vị.

Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức chương trình hiến máu dành riêng cho cán bộ lãnh đạo các đơn vị hay chương trình hiến máu dành cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo. Bên cạnh đó, phối hợp cùng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đưa hoạt động hiến máu tình nguyện vào tận nhà máy để giới chủ, người lao động cùng hiến máu.… Những nỗ lực này đã cuốn hút ngày càng nhiều người cùng tham gia hiến máu.

Thời gian qua, hội chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã chủ động xây dựng các nhóm hiến máu tình nguyện thông qua liên kết mạng xã hội. Đồng thời, tạo đội ngũ tình nguyện viên là các y, bác sĩ đã nghỉ hưu, đoàn viên thanh niên các trường đại học, cao đẳng tham gia vào các công đoạn tiếp nhận, cập nhật, sàng lọc thông tin người hiến máu nhằm giảm tải cho đội ngũ cán bộ hội. Qua đó giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của người hiến máu tình nguyện.

Người dân chụp ảnh lưu niệm sau khi hoàn thành hiến máu tại chiến dịch hiến máu tình nguyện Những giọt máu hồng hè năm 2023.

Ngoài ra, việc tuyên dương, khen thưởng dành cho người hiến máu tình nguyện tiêu biểu của tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Những tấm gương hiến máu tiêu biểu còn được lãnh đạo tỉnh, huyện khen thưởng, tuyên dương đột xuất. Như trường hợp của ông Phạm Quốc Khánh (một giáo dân ở xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) đã được Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất tuyên dương, khen thưởng vì đã có 35 lần hiến máu tình nguyện.

Song theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, để tạo động lực cho phong trào hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện định kỳ việc tuyên dương cá nhân, gia đình, đơn vị hiến máu tiêu biểu. Xây dựng chế độ dành cho người trực tiếp làm công tác hiến máu tình nguyện. Sớm ứng dụng phần mềm quản lý trong công tác hiến máu tình nguyện…