Đáng lo hiện tượng bán điều non tại Bình Phước

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Trong hai niên vụ vừa qua, thời tiết thất thường cùng sâu bệnh hoành hành khiến cho “thủ phủ” điều Bình Phước bị thiệt hại nặng. Bên cạnh đó, “sóng ngầm” mua bán điều non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa bao giờ “nguội”.

Cầm cố vườn điều

Vừa trình bày với phóng viên, vừa chỉ tay vào vườn điều sau nhà, ông Điểu Danh ở thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cho biết: “Do không có tiền mua gạo cho con ăn nên tôi quyết định vay nóng 10 triệu đồng để sống. Đến hạn trả gốc và lãi tôi không có tiền trả, lúc này tiền nợ đã lên đến 30 triệu đồng. Chủ nợ ép gia đình tôi bán điều bông cho chủ nợ 10 năm (nghĩa là giao cho chủ nợ thu hoạch điều 10 năm)”. Như vậy, thì giá trị của 2 héc ta (ha) điều chỉ được trừ nợ 3 triệu đồng mỗi năm.

Ông Điểu Danh bức xúc giãi bày:  “Nhiều chuyện lắm, tiền mẹ đẻ ra tiền con, rồi ra tới tiền cháu luôn. Mình kẹt hoài,  kẹt hoài nên khoán hết vườn, giờ đất đai không còn nữa chỉ đi đào giếng thuê cho người ta thôi...”.

1 (4)
Ông Điểu Eo tiếc của vì bị lừa mất vườn Điều giãi bày với Phóng viên

Không chỉ ông Điểu Danh, mà hộ ông Điểu Eo (hàng xóm của Điểu Danh) còn xót hơn vì ông đứng ra ký giấy bảo lãnh cho một số người thân quen vay tiền. Nhưng, ai cũng khó khăn không trả được tiền nên ông bị chủ nợ siết luôn gần 10 ha cả đất lẫn điều. Cả nhà ông gần 20 nhân khẩu hiện giờ không còn nguồn thu nào khác. 

Ông Điểu Eo tiếc nuối phân trần: “Đầu tiên có biết là lừa đâu, đồng bào biết là người thật tình thôi sau này mình đi đòi tiền nói không có, nên mình thua thôi. Nhiều đất lắm, nhưng giờ chỉ còn dư ra cái chuồng nuôi được 20 con gà và chắc là nuôi thêm được 2 con heo”.

1 (1)
Bà Điểu Ba Rui trao đổi với phóng viên

Siết nợ bằng đất và điều

Qua tìm hiểu thì thực tế thủ đoạn chính của các đối tượng là từ việc cho vay, ký giấy nợ, giấy bán mập mờ, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân chiếm đất bằng hình thức chuyển nhượng với giá rẻ.

Đơn cử, hộ bà Điểu Ba Rui (thôn 4, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước). Để có tiền chữa bệnh cho con phải vay tiền nóng của nhiều chủ nợ. Từ vay vốn đó, lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến cuộc sống ngày càng khó.

Sau đó, lợi dụng bà Rui không biết mặt chữ và nghe không rành tiếng Việt nên bà bị chủ nợ "lừa" ký vào giấy bán đi toàn bộ diện tích điều, đang là nguồn sống của cả gia đình.

1 (3)
Ông Điểu Danh bần thần trong vườn điều của gia đình bị lừa mất đất

Trong suy nghĩ của bà thì chỉ là bán những cây điều và trái điều thu hoạch hàng năm. Nhưng thực tế ngay khi ký giấy tờ bà đã mất trắng 2,4 ha cả đất và điều.

Ba Rui  cho biết: “Con bị bệnh miết, nuôi bằng thuốc miết, nếu họ lấy hết đất đai thì đâu biết làm gì đâu, cái gì cũng không biết, chỉ biết làm rẫy, làm ruộng thôi”.

Lợi dụng việc bà con không biết chữ để lừa ký vào các giấy tờ mua bán sang nhượng là thủ đoạn phổ biến của một số đối tượng. Cũng có những trường hợp rất đơn giản, khi đồng bào không có tiền trả được nợ thì các đối tượng ép ký giấy bán vườn.

Thậm chí như trường hợp vay có 60 triệu đồng nhưng khi bị ép trả nợ thì lại gắn tới 04 ha điều có giá trị cả tỉ đồng. Ông Điểu Rết, ngụ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, con trai của già làng cho biết: “Già làng nợ từ 1 triệu thành 2 triệu, 2 triệu thành 4 triệu; lên 2 chục, 4 chục đến 6 chục. Tôi nói già làng không tin,  thế là siết vườn điều đó, siết đứt luôn. Giờ già làng cũng thiếu gạo ăn, thiếu cái chăn để đắp ngủ, hôm trước già làng bệnh nặng có tiền mua thuốc đâu?”. 

 Địa phương “ bất lực” chưa tìm ra hướng giải quyết?

Trước thực trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Bình Phước đã nhiều lần ban hành chỉ thị yêu cầu các cấp chính quyền vào cuộc. Tuy nhiên “sóng ngầm” vẫn diễn ra mạnh hơn và ngày càng rầm rộ vì hàng ngày đồng bào vẫn tiếp tục bị mất vườn, mất rẫy.

Ông Trịnh Bá Hiệp – Công an xã Đường 10, huyện Bù Đăng, Bình Phước chia sẻ: “Năm nay bà con bán điều non thì sang năm làm gì có nguồn thu, không có thu thì phải bán tiếp 2, 3 năm nữa. Đến khi không có tiền trả thì buộc phải bán điều non và bán đất,. Thực tế hiên nay ở địa phương là 90% đồng bào bán dần điều để ăn như thế. Đến khi mất hết đất hết nhà thì mới báo. Bà con cứ lén lút bán như thế đến khi phát hiện ra thì đã muộn. , chính quyền địa phương đã tuyên truyền pháp luật nhiều nhưng bà con không hiểu”. 

Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước năm 2017, tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non là 375 hộ, với diện tích 523,4ha và số tiền bán chỉ có  22,6 tỷ đồng.

Riêng  năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Phước đã thực hiện trợ giúp 165 vụ việc cho đồng bào dân tộc thiểu số, vướng vào đường dây bán điều non. 

1 (2)
Bà Phan Thị Vân - Trợ giúp viên trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Bình Phước

Chị Phan Thị Vân, Trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Phước cho biết: “Bà con mà không hiểu biết sâu xa về pháp luật thì có thể nhờ người khác đọc phân tích giùm trước khi ký. Chứ thực tế là do không đọc, không hiểu nên ký vào, tình ngay lý gian nên khi ký vào thì hậu quả là mất đất. Tuy nhiên, do đồng bào dân tộc thiểu số rất thật thà, nhận thức còn hạn chế vì không biết chữ trong khi các vụ việc được tiếp cận quá muộn nên công tác trợ giúp gặp nhiều khó khăn”.

Nhiều năm qua, tỉnh Bình Phước đã ban hành chỉ thị yêu cầu các cấp chính quyền tăng cường kiểm soát tình trạng mua bán điều non, vay tiền lãi suất cao, kiểm soát các giao dịch có biểu hiện lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào…Đây là hiện tượng nhức nhối, xuất hiện đã nhiều năm; tuy nhiên, do các công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa phổ biến rộng rãi tới người dân, nên hiện tượng bán điều non vẫn tái diễn…

Trần Oanh