Dàn quân chống bão Noru

Nguyễn Thị Hải Hà
Với tư tưởng chỉ đạo “Tích cực, chủ động là trên hết” và tinh thần “Cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão Noru, LLVT Quân khu 5 và các đơn vị của Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn đã chủ động dàn quân chuẩn bị chống bão...

Chủ động là trên hết

Đó là khẳng định của Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5 trong chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống bão Noru. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai toàn diện các mặt công tác, sẵn sàng chờ lệnh lên đường cứu dân... Theo đó, các đơn vị LLVT tăng cường trực 24/24 giờ, theo dõi diễn biến bão Noru và tình hình mưa lũ trên địa bàn; bộ CHQS các tỉnh, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sơ tán nhân dân ở những vùng trọng điểm bão lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và vùng hạ lưu của các hồ thủy lợi, thủy điện đến nơi an toàn.

Bộ CHQS 7 tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với các đơn vị của quân khu và của Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình các địa bàn trọng điểm, lên phương án sẵn sàng ứng cứu, sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Các tỉnh Tây Nguyên đề phòng diễn biến khó lường của thời tiết và hoàn lưu bão Noru, kết hợp với các đơn vị quân đội chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có tình huống gió lốc, lũ quét, sạt lở đất xảy ra.

2-1-1664240813.jpg

Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm (BĐBP tỉnh Quảng Nam) giúp ngư dân đưa thuyền lên bờ tránh bão.

Thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó tư lệnh Quân khu 5, cho biết: “Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy, trực phòng, chống thiên tai ở tất cả các cấp, đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng, chống bão, lũ. Tích cực triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại, khu kỹ thuật, phương tiện, công trình chiến đấu; kiểm tra, bảo đảm tốt tình trạng kỹ thuật phương tiện, trang bị, vật chất làm nhiệm vụ; dự trữ đầy đủ vật chất quân y, lương thực, thực phẩm, chất đốt. Khi có tình huống, chủ động tham mưu, hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó, thực hiện tốt “4 tại chỗ”, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai.

Sẵn sàng “xung trận”

Để kịp thời chỉ đạo LLVT giúp nhân dân ứng cứu và khắc phục hậu quả bão lũ, Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) Quân khu 5 đã triển khai Sở chỉ huy bổ trợ phòng, chống lụt bão tại Sư đoàn 315 (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) sẵn sàng cơ động vào phía Nam. Thiếu tướng Cao Phi Hùng cùng chỉ huy các cơ quan quân khu và các phòng chuyên môn trực tiếp kiểm tra công tác PCLB-TKCN trên các địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng.

Trên xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), hai ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 70 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) thường xuyên có mặt tại bến cảng, cầu tàu, các khu vực xung yếu hỗ trợ nhân dân triển khai phương án phòng, chống bão; di chuyển 12 tàu cá và thuyền thúng cỡ nhỏ từ khu vực mép nước vượt qua bãi cát dài, đến neo đậu, tránh trú tại nơi an toàn, khuất gió. Đơn vị đã chuẩn bị hàng tấn rau, củ, quả, lương thực, thực phẩm tươi sống, sẵn sàng hỗ trợ bà con trên đảo trong tình huống xấu.

Tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện phối hợp cùng các lực lượng giúp các trường học sơ tán tài sản, đồ dùng dạy học, chằng chống mái tôn, mái ngói. Đơn vị chuẩn bị chu đáo nơi ăn ở, sẵn sàng tiếp nhận, chăm sóc người dân đến tránh trú bão trong doanh trại các trung đội, đại đội khi cần thiết.

3-1664240899.jpg

Lực lượng vũ trang TP Hội An (Quảng Nam) giúp nhân dân chằng chống nhà cửa.

Nam Trà My là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, năm 2020 từng chịu thiệt hại rất nặng nề do mưa lũ. Để ứng phó với bão Noru, việc sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét được cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng địa phương ráo riết triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt và vướng bận tài sản, vật nuôi nên một số hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn các xã Trà Mai, Trà Leng, Trà Don, Trà Dơn, Trà Linh... chưa muốn đi sơ tán. Trước tình hình đó, Ban CHQS huyện Nam Trà My đã cắt cử lực lượng băng rừng, lội suối "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động bà con tự giác sơ tán khỏi nơi nguy hiểm.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam, cho biết: Đơn vị tổ chức trực 100% quân số; điều động 150 cán bộ, chiến sĩ trực PCTT-TKCN, 22 phương tiện (4 tàu, 12 ca nô, 6 ô tô) sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Các đồn biên phòng ở ven biển bắn pháo hiệu thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển kịp thời vào tránh bão; kêu gọi người dân di chuyển khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, bảo đảm an toàn...

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cũng tích cực kêu gọi hơn 5.600 tàu, thuyền với gần 35.000 ngư dân sớm tìm nơi tránh trú bão, neo đậu an toàn.

BĐBP TP Đà Nẵng giữ liên lạc, hướng dẫn 83 tàu cá đang hoạt động trên biển tránh trú bão. Trên đất liền, lực lượng biên phòng thành phố tăng cường tuần tra, hỗ trợ tàu cá neo đậu, chằng néo, bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.

4-1664240922.jpg

Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm (BĐBP tỉnh Quảng Nam) sắp xếp tàu thuyền vào tránh bão Noru tại âu thuyền.

Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (CSB 2) đã thành lập 6 tổ phòng, chống, khắc phục hậu quả của bão và tìm kiếm, cứu nạn với gần 100 cán bộ, chiến sĩ và 13 xe ô tô các loại ở khối cơ quan Bộ tư lệnh vùng, Hải đoàn 21, Hải đội 202, Hải đội 23 và Trạm 2 CSB tại đảo Lý Sơn. Lực lượng tàu, xuồng của đơn vị sẵn sàng tham gia phòng, chống bão, cứu hộ, cứu nạn.

LLVT Quân khu 5 và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, cùng chính quyền, nhân dân các tỉnh ven biển miền Trung đã sẵn sàng ứng phó với bão Noru để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra...