Đa dạng hóa các giải pháp về công tác thu và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm

Nguyễn Thị Hương
Năm 2023, trên cơ sở dự báo, đánh giá các tác động đến công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 301/BHXH-TST ngày 7/2/2022 tạm giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia năm 2023 đối với Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố.

Một số chỉ tiêu cụ thể như: phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 892 nghìn người, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 314 nghìn người, bảo hiểm y tế tăng 1,978 triệu người so năm 2022. Với tinh thần khẩn trương, tận dụng thời gian bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2023, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra...

Nhiều yếu tố tác động

Theo dự báo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dự kiến toàn quốc năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động khoảng 1 triệu người. Trong những tháng đầu năm nhu cầu tuyển dụng lao động tại các khu công nghiệp khoảng 400 nghìn người, tập trung chủ yếu tại các ngành nghề: may mặc, giày da, sản xuất chế biến gỗ, sản xuất linh kiện. Bên cạnh đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cũng đang được trình Chính phủ.

bao-hiem-1697552493.jpg
Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội đến người lao động tự do tại tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, dự kiến bổ sung nhóm đối tượng người dân ở xã được công nhận là xã An toàn khu (ATK) được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế (dự kiến có khoảng 600 nghìn đến 800 nghìn người được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế); người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 nay không còn nằm trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng (dự kiến có khoảng 1,3 đến 1,6 triệu người được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế). Cùng với đó là tăng lương cơ sở tăng 20,8%, lương hưu tăng 12,5% từ ngày 1/7/2023 theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội... Đây là những yếu tố quan trọng tác động đến công tác thu và phát triển người tham gia năm 2023.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023, Trưởng ban Quản lý Thu-sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào đánh giá, từ thực tiễn công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022, nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra.

Trên cơ sở phân tích, dự báo các yếu tố tác động, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia năm 2023 cho Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố. Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng đã sớm triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm để bảo đảm hiệu quả, tiến độ thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023.

Chủ động vào cuộc

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, năm 2023, rất nhiều khó khăn tác động tới công tác thu, phát triển người tham gia của ngành. Nhưng với phương châm hành động “Đoàn kết-Kỷ cương-Linh hoạt-Sáng tạo-Chuyên nghiệp-Hiệu quả”, toàn ngành sẽ nỗ lực, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và lợi thế sẵn có để phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

307217770-407197981367837-3588301087585763440-n-1-1697550852.jpg
Bảo hiểm xã hội nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao

Bảo hiểm xã hội từng địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm hay để triển khai, nhân rộng trong toàn đơn vị; kịp thời đề xuất, tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hiệu quả các nội dung theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam...

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tập trung các giải pháp trọng tâm: Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp.

Đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã...; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế; Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc sử dụng lao động; chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia và nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không đầy đủ; doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên.

Bên cạnh đó, kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đối tượng trong việc rà soát, lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế bảo đảm kịp thời, phấn đấu đạt 100% người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế; phối hợp cơ quan tài chính các cấp tham mưu với Ủy ban nhân dân hỗ trợ thêm phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia, đặc biệt là người tham gia thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 1/2023, cả nước đã có 17,273 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; đạt tỷ lệ bao phủ là 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2023 tạm tính là 46,12 triệu người); tăng 648 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 88,915 triệu người, đạt 95,55% kế hoạch giao; đạt tỷ lệ bao phủ là 89,9% dân số (dân số năm 2023 tạm tính là 98.955.314 người bằng dân số tháng 12/2022), tăng 4,7 triệu người (5,6%) so cùng kỳ năm trước.

PV